Cổ phần “vàng đen”
Bài báo trên cho biết, từ tháng 12-2005, Than Núi Béo nổ phát súng đầu tiên, khi tất cả số cổ phần chào bán đều về hết tay các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 10 này, Than Cọc Sáu tiếp tục tạo “sửng sốt” thứ hai khi có tới 80% lượng cổ phần chào bán không thuộc về nhà đầu tư trong nước. Và đầu tuần này, đến lượt Than Đèo Nai đi theo xu hướng đó với trên 99% thuộc về vốn ngoại. Quá tam ba bận. Ba phiên đấu giá trên đều chung một kết quả ấn tượng, khẳng định sức hút cổ phiếu của những doanh nghiệp khai thác “vàng đen”.
Bài báo trên phân tích, lý giải sức hấp dẫn của cổ phiếu “vàng đen” là cả ba doanh nghiệp trên mức tăng trưởng khả quan, trên 20%. Tỷ lệ cổ tức tuy không cao, khoảng 12%, nhưng được đánh giá là ổn định. Và đặc biệt, giá cổ phiếu của ngành Than được dự báo là có nhiều lợi thế trong tương lai và ít rủi ro. Cũng như cổ phiếu ngành điện, cổ phiếu ngành Than là hàng của ngành năng lượng. Trong khi giá dầu liên tục tăng cao, giá xăng trong nước đang theo hướng thả nổi, giá than dự báo cũng sẽ có nhiều thuận lợi. Và mới đây nhất, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đã đưa ra định hướng hạn chế xuất khẩu than và không bù lỗ giá than; theo đó giá than nhiều khả năng sẽ tăng trong tương lai gần. Mặt khác, mặt hàng than không phải lo thị trường đầu ra. Nguồn tài nguyên càng khai thác càng cạn và tất nhiên sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đó là thực tế để cổ phiếu ngành này có quyền “kiêu”, kén khách...
Được biết, từ năm 2007, ngành Than sẽ cổ phần hoá tiếp 13 công ty khai thác than hầm lò. Việc bán cổ phần ra bên ngoài nhằm thu hút vốn và việc các nhà đầu tư nước ngoài mua hầu hết lượng cổ phần chào bán báo hiệu một sức bật mới của ngành Than. Đây cũng là tín hiệu sẽ gia tăng nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam.
Ý kiến ()