
Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Một người vô cùng chủ động trong ngoại giao
May mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong suốt một thập niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên vẫn luôn giữ ấn tượng về một vị lãnh đạo vừa có tài, vừa có tâm, một người luôn chủ động trong hoạt động đối ngoại.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên có những chia sẻ với Báo Nhân Dân về những đóng góp rất quan trọng của Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đối với đất nước, trong đó có ngành ngoại giao.
Phóng viên: Là người gắn bó với Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong một thời gian dài trên mặt trận ngoại giao, ông ấn tượng thế nào về những đóng góp của Cố Chủ tịch nước đối với ngành ngoại giao Việt Nam?
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Tôi may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong 10 năm liên tục. Phải nói rằng, Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn rất quan trọng cho ngành ngoại giao nước nhà.
Thời điểm đồng chí Trần Đức Lương làm Chủ tịch nước, đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế tích cực, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Đóng góp của Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương nổi bật ở rất nhiều khía cạnh.
Nhìn lại, có thể thấy, những bước đi của Việt Nam trong thời kỳ Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đặt nền tảng rất tốt cho ngành đối ngoại Việt Nam hiện nay. Thời đó, Việt Nam mở cửa, Việt Nam đổi mới, nhưng nội lực của chúng ta còn chưa thật tốt. Song, với sự chỉ đạo và hoạt động ngoại giao tích cực trong thời gian đấy của Cố Chủ tịch nước, đã giúp Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt với các quốc gia phát triển.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ dấu ấn đối ngoại quan trọng của Việt Nam gắn với Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương?
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Thứ nhất là sự kiện diễn ra năm 2000, Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức. Đây là bước đi rất quan trọng, vì trước đó hai nước vốn là thù địch. Sau 5 năm kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, một vị tổng thống Mỹ chính thức sang thăm Việt Nam.
Thời điểm đó, hậu quả chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề. Dấu vết của chiến tranh còn hiện hình khắp nơi. Chúng ta phải cân nhắc đón tiếp như thế nào cho đúng mực.
Có thể nói, Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có những quyết định rất tích cực và đúng đắn, vừa để dân ta chấp nhận được khi Việt Nam đón một vị nguyên thủ từ một quốc gia trước đây là thù địch, vừa góp phần thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, vừa để thế giới thấy được thiện chí của Việt Nam và chính sách đối ngoại của chúng ta rộng cửa đón tiếp tất cả.
Tôi còn nhớ chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ, từ cái bắt tay, từ nụ cười, từ những lời nói, trao đổi, cho đến những bài diễn văn. Ngày đó, nội bộ ta còn nhiều ý kiến, thậm chí nặng nề, nhất là từ những đồng chí lão thành cách mạng từng tham gia vào cuộc chiến tranh. Trong bối cảnh đó, Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có những chỉ đạo rất đúng và rất sát.
Thí dụ như với những bài diễn văn chiêu đãi, lúc đầu ta chuẩn bị có phần hơi căng cứng. Tôi được Cố Chủ tịch nước chỉ đạo sửa lại cho mềm mỏng, nhưng một số đồng chí cũng chưa hài lòng. Cho đến phút cuối cùng duyệt bài, chỉ còn ba người là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương và tôi là Bộ trưởng Ngoại giao lúc đấy. Cuối cùng, lời lẽ của diễn văn cũng dịu dàng hơn, thuyết phục hơn, làm cho nhân dân ta cảm thấy hài lòng và phía Mỹ cũng thấy thoải mái.
Ấn tượng thứ hai của tôi đối với Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương là chuyến thăm Pháp năm 2002 của Cố Chủ tịch nước. Pháp đón tiếp rất nồng nhiệt. Bản thân Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương hoạt động rất tích cực, để phía bạn cảm nhận được văn hóa Việt Nam, đường lối đối ngoại đang dịch chuyển rất tích cực ở Việt Nam. Trong chuyến thăm ấy, Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh cao quý tặng Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương, biểu hiện sự tôn trọng đối với Việt Nam và cá nhân đồng chí Trần Đức Lương.
Chuyến thăm Pháp của Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt-Pháp lên một tầm cao mới.
Sau chuyến thăm Pháp là chuyến thăm Anh, cũng để lại rất nhiều ấn tượng. Ở Anh, Nữ hoàng Elizabeth tiếp đón rất trọng thể. Khi chúng ta đặt vấn đề Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương muốn gặp Thủ tướng Anh, lúc ấy là Tony Blair, thì phía Anh có vẻ hơi đắn đo.
Lúc đó, Thủ tướng Anh Tony Blair nghĩ đơn giản gặp xã giao nên chỉ đề nghị trong vòng 20-25 phút. Nhưng khi gặp, thấy Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đưa ra những vấn đề rất cụ thể về kinh tế, văn hóa, thương mại và các vấn đề xã hội, ông Tony Blair rất ngạc nhiên. Ông không ngờ một vị Chủ tịch nước nắm vững nhiều vấn đề như thế. Khi ra về, ông ấy tiễn Cố Chủ tịch nước ra tận cửa.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ những ấn tượng của mình đối với Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương? Nếu miêu tả phong cách ngoại giao của Cố Chủ tịch nước, ông sẽ dùng những từ nào?
Trước hết là chủ động. Phải nói là đồng chí Trần Đức Lương rất chủ động trong công tác đối ngoại. Tôi được tháp tùng Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương tham gia các hội nghị quốc tế. Cố Chủ tịch nước luôn chủ động tiếp xúc với các nước.
Trong phòng chờ máy bay, thấy những đoàn nguyên thủ hay đại biểu nước ngoài, đồng chí chủ động ra gặp họ, dù chưa quen biết. Những cử chỉ đấy làm cho bạn bè quốc tế rất quý trọng mình. Phần lớn những nước mà ta đến gặp là những quốc gia ta chưa có quan hệ ngoại giao lúc đấy, chủ yếu các nước châu Phi, nên họ kính trọng lắm. Họ đánh giá rất cao những cử chỉ đó.
Trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam, Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có những đóng góp rất cụ thể. Những đóng góp ấy là những viên gạch cơ bản để chúng ta bước tiếp trong những năm tháng tiếp theo.
Còn một vấn đề nữa, tôi cũng muốn nhấn mạnh. Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn từng là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Trong các cuộc họp, tôi nhận thấy sự sắc sảo và đánh giá rất sâu từ đồng chí với cái nhìn thực chất. Có những đánh giá mà nhiều đồng chí khác chưa hài lòng lắm. Nhưng khi sự thật diễn ra đúng như vậy, chứng tỏ tầm nhìn và hiểu biết của đồng chí Trần Đức Lương rất sâu sắc.
Trong suốt thời gian hơn 10 năm làm việc với Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tôi thấy được ở con người ấy có những quyết định, những quyết sách rất đúng. Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương là người rất dễ gần, rất hòa hiếu, nhưng cũng luôn rất cẩn thận, rất nghiêm khắc, lúc nào cũng quan tâm đến lợi ích quốc gia, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Phóng viên: Thường xuyên được làm việc với Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông có cảm nhận những trăn trở của Cố Chủ tịch nước?
Khi đi trên máy bay, đồng chí Trần Đức Lương hay tâm sự với tôi rằng, đi ra ngoài, mới thấy Việt Nam mình phát triển còn chậm, còn kém. Đồng chí cứ mong rằng, đất nước Việt Nam phát triển tốt lên, đời sống người dân khá lên, kinh tế mạnh lên. Khi đó, tiếng nói ngoại giao của mình mới thêm sức nặng. Những sáng kiến mình nêu ra tại các hội nghị quốc tế mới càng trở nên quan trọng.
Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định, trí tuệ Việt Nam không thua kém bất kỳ dân tộc nào. Đồng chí luôn trăn trở làm sao cho nguồn lực của Việt Nam tăng lên.
Phóng viên: Thấm được trăn trở của Cố Chủ tịch nước, chứng kiến đất nước vươn lên thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về thành quả và tiềm lực phát triển của Việt Nam?
Từ đó cho đến nay, phải nói đất nước chúng ta phát triển quá vượt bậc, gồm cả những điều mà chúng tôi ước ao. Ngày xưa chúng tôi mong Việt Nam có những Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay.
Kể từ khi Đổi mới đến bây giờ, nhất là chục năm trở lại đây, phải nói Việt Nam có những bước phát triển tuyệt vời. Bây giờ vị thế Việt Nam rất cao và rất vững trên thế giới mà nhiều nước cũng ao ước. Chúng ta là Đối tác chiến lược của hầu hết các nước lớn trên thế giới và các nước lớn trong khu vực; nhiệm vụ bây giờ là củng cố vững chắc thành quả đó.
Tôi tin rằng, tình hình thế giới dù có chuyển biến phức tạp như thế nào, Việt Nam vẫn rất vững vàng, vì đường lối đối ngoại của chúng ta rất rõ ràng. Chúng ta không chọn bên, chúng ta chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải. Tôi hay tâm sự với đồng nghiệp rằng, bây giờ cũng là thời kỳ dụng võ của ngoại giao Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là thời cơ vàng của ngoại giao Việt Nam. Chúng ta phải phát huy điều đó.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()