Chuyên nghề, thực nghiệp
Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải thống nhất cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề. Một số đại biểu cho rằng, việc chia cắt trong quản lý về đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, phân luồng giáo dục đang bị chồng chéo bởi do 2 Bộ quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộị Bàn về chính sách dạy nghề, có đại biểu cho rằng chính sách dạy nghề nên đi đôi với cơ sở sản xuất các doanh nghiệp để nhằm gắn lý thuyết với thực hành. Hơn nữa khi thực hiện tuyển sinh người học sơ cấp nghề cần phải được thực hiện theo hình thức đăng ký hoặc xét tuyển, như vậy mới tạo được điều kiện cho người học mà không phải phiền hà về thủ tục.
Chúng ta thường nói đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ là bởi việc dạy nghề chưa được coi trọng đúng mức. Do học đại học tại chức dễ dàng và tâm lý của mọi người là cứ phải tốt nghiệp đại học mới “sang”, mới có cơ hội tiến thân nên việc học nghề thường được coi là “bước đường cùng” của các “cô tú”, “cậu tú”. Cũng do nhận thức sai lệch này mà các trường dạy nghề đua nhau nâng cấp lên trung cấp, nhiều trường trung cấp nâng cấp lên cao đẳng, đồng thời đều tìm cách liên kết đào tạo đại học tại chức. Việc chuẩn hoá cán bộ cộng với dễ dàng trong việc đào tạo đại học tại chức đã dẫn đến những sai phạm. Việc báo chí phản ánh có những cán bộ tốt nghiệp đại học tại chức bằng bằng tốt nghiệp THPT giả là hậu quả của tình trạng trên.
Được biết tiêu chuẩn “Gia đình hiếu học” mà Hội Khuyến học Quảng Ninh đưa ra không chỉ đề cao việc học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mà còn đề cao tay nghề giỏi, thợ bậc cao.
Đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp là mục tiêu của các trường dạy nghề. Sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đòi hỏi chuyên môn hoá nghề nghiệp. Có chuyên nghề thì mới thực nghiệp. Cha ông ta từng răn dạy: “Một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”, “một nghề ăn cơm tám, tám nghề ăn cám rang”...
Biết nhiều nghề nhưng phải giỏi một nghề!
Ý kiến ()