
Chung cư chưa an toàn PCCC, chưa cho người ở
Sau vụ cháy chung cư Carina (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) ngày 23/3/2018 làm 13 người chết, 51 người bị thương đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chung cư, nhà cao tầng.
Nhiều vấn đề về trách nhiệm bảo đảm an toàn, nhất là an toàn PCCC của chủ đầu tư, của cơ quan quản lý nhà nước, của ban quản lý, của người dân tại các chung cư đã được đưa ra để xem xét. Bài học đau xót từ vụ cháy chung cư Carina đang được các địa phương trong cả nước tự nhìn lại mình về công tác PCCC.
Tại hội nghị sơ kết quý I công tác bảo đảm an toàn giao thông, PCCC, an toàn vệ sinh lao động của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long chỉ đạo các chung cư đang xây dựng, nếu chưa bảo đảm an toàn PCCC thì dứt khoát chưa cho người đến ở. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, nhất là 4 thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, làm trưởng đoàn công tác có cảnh sát PCCC tham gia để đi kiểm tra các nhà cao tầng, chung cư. Nếu chung cư chưa đảm bảo an toàn PCCC phải có biện pháp di dời dân.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1692/2016/QĐ-UBND ngày 6/6/2016 về ban hành tiêu chí cơ sở đạt chuẩn về PCCC đối với các chợ - trung tâm thương mại, nhà cao tầng, tàu thuỷ vận chuyển khách du lịch và các cơ sở thuộc khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC tỉnh, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 92 nhà cao tầng đã đưa vào hoạt động và 32 công trình đang xây dựng, trong đó có 11 chung cư cao tầng (có một công trình siêu cao tầng). Các công trình này chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm 4 thành phố của tỉnh. Trong 5 năm qua, tại các công trình trên chỉ để xảy ra một vụ cháy nhỏ đã được phát hiện và xử lý kịp thời tại căn hộ tầng 7, chung cư Licogi 18.1 (TP Hạ Long), không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 40 triệu đồng, nguyên nhân do sơ suất sử dụng lửa hút thuốc.
Mặc dù tình hình chung cư chưa xảy ra vụ cháy lớn nào, song nguy cơ mất an toàn về PCCC đối với nhà cao tầng, chung cư tại Quảng Ninh vẫn ở mức cao, nhất là khi liên hệ với những bất cập được bộc lộ qua vụ cháy chung cư Carina vừa qua.
Cũng theo báo cáo của Cảnh sát PCCC tỉnh, đối với một số nhà cao tầng là chung cư, chủ dự án sau khi bán và bàn giao hết các căn hộ cho người dân coi như hết trách nhiệm. Những người dân tại toà nhà bầu ra ban quản trị, ban quản lý nhưng các ban này chỉ có trách nhiệm quản lý hành chính như tổ trưởng tổ dân cư, không có quy định về trách nhiệm đối với việc bảo đảm PCCC của công trình, cũng như không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, đầu tư cho công tác PCCC.
Một số nhà cao tầng (chiều cao trên 25m) dạng nhà ống, trong đó có nhà chuyển đổi mục đích từ nhà ở sang làm khách sạn, nhà nghỉ cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu về PCCC.
Được biết sau vụ cháy chung cư Carina, người dân các chung cư ở TP Hạ Long cũng đã chủ động yêu cầu ban quản lý chung cư xem xét lại công tác PCCC. Nhiều hộ gia đình đã ý thức hơn trong bảo đảm PCCC, tự trang bị mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm... Thực tiễn cấp bách đặt ra là cần xây dựng mô hình ban quản lý chung cư có nhiệm vụ PCCC với các phương án PCCC cụ thể.
Từ đảm bảo PCCC chung cư, nhà cao tầng, chúng ta cần chủ động chấn chỉnh công tác bảo đảm PCCC đối với các chợ, trung tâm thương mại, các tàu du lịch, quán karaoke, rừng trên địa bàn. Là địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước nên yêu cầu bảo đảm PCCC phải được đặt ra ở mức cao, đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Nguyên Đan
Ý kiến ()