Chủ trương và phương pháp
Đó là chuyện kiểm tra tài xế lái xe tỉnh hay say ở Mỹ. Nghĩ đến việc kiểm tra nồng độ rượu, chúng ta hay nghĩ đến cái máy đo (breath alyser). Vài năm trước, CSGT Công an TP.HCM cũng dùng máy đo để chấn chỉnh các môn đồ lưu linh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn phương pháp trên phải tạm ngưng vì “một máy đo mà nhiều người thổi quá dễ lây bệnh truyền nhiễm”.
Đó là chưa kể đến việc máy móc đôi khi cũng hỏng. Có người uống cả chục ly, thổi vào nhưng chỉ số cồn không lên trong khi có người chỉ uống một ly nhỏ, thổi một cái chỉ số đã vượt quá mức cho phép. Đó là lý do tại sao, ngoài máy đo cảnh sát nước ngoài còn có nhiều bài test đơn giản để kiểm tra xem bác tài đã say hay chưa.
Và từ đó đến giờ, hầu như chúng ta vẫn chưa có biện pháp gì khác để hạn chế các vụ tai nạn do rượu bia gây ra. Theo tính toán của ngành y tế, lượng cồn trong máu tỷ lệ thuận với nguy cơ xảy ra tai nạn, nguy cơ ấy có thể lên đến 200 lần so với khi không uống rượu.
Và ai cũng đã biết, ngay cả tính mạng của Công nương Diana cũng không an toàn một khi người tài xế xỉn.
Qua bài Bắt đầu kiểm tra nồng độ cồn người lái xe đăng trên Tuổi Trẻ hôm qua cho thấy lực lượng CSGT đang có nỗ lực mới nhằm hạn chế số vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn gây ra. Theo đó, Đội Cảnh sát tuần tra giao thông thuộc PC26 Công an Đồng Nai kết hợp với Công an huyện Xuân Lộc và Bệnh viện Đa khoa huyện này tiến hành kiểm tra tại chỗ nồng độ cồn và chất kích thích đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn.
Phương pháp tiến hành là rút máu lái xe ngay tại chỗ để xét nghiệm.
Về quan điểm, người dân nào cũng sẽ hoàn toàn ủng hộ việc làm trên nhằm giảm thiểu vi phạm lái xe trong tình trạng say rượu. Như vị bác sĩ của bệnh viện trên nói: tai nạn giao thông chiếm đến 90% tổng số ca cấp cứu tại đây. Giảm được số vụ vi phạm, lực lượng công an đã góp phần lớn trong việc bảo vệ hạnh phúc cho gia đình người dân và giảm bớt nỗi đau chung cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, lấy máu xét nghiệm có vẻ như là một cái gì đó quá lớn để chúng ta kiểm tra xem ai say, ai tỉnh. Trong tình hình hiện nay, ngành y tế thiếu hụt - cả về người lẫn phương tiện, riêng đảm bảo được việc lúc nào cũng có nhân viên và xe chuyên dụng cùng lực lượng tuần tra giao thông làm nhiệm vụ là khó. Một số bác sĩ cho rằng, bất cứ bệnh nhân nào khi nhập viện điều trị, hễ nhìn thấy kim tiêm là tâm lý của họ đã ngán ngại, huống hồ bị tiêm ở ngoài đường.
Chủ trương đã thuận rồi, giờ chỉ còn một chút lấn cấn ở phương pháp sao cho được lòng dân ủng hộ.
Ý kiến ()