
Chú trọng văn hóa ứng xử
Du lịch, tham quan Vịnh Hạ Long đã có từ những năm 30 của thế kỷ 20. Từ những chiếc thuyền buồm, tàu du lịch đơn lẻ, tự phát hay tour nhỏ bé do người Pháp, người Nhật tổ chức, đến nay du lịch bằng tàu trên Vịnh Hạ Long đã phát triển mạnh mẽ, với trên 500 tàu được cấp phép.
Ngày 1/6/2016, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 998/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2020. Thực tế cho thấy, việc đề ra các quy định chặt chẽ trong đảm bảo an toàn cho du khách đối với hoạt động của tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, chỉ phương tiện thôi chưa đủ mà quan trọng là yếu tố con người. Du lịch vốn đã là lĩnh vực nhạy cảm, du lịch trên Vịnh Hạ Long lại càng nhạy cảm hơn. Bất cứ vụ tai nạn đắm tàu, cháy tàu, hành vi thiếu văn hoá của thuỷ thủ, nhân viên tàu đều dễ gây nên sự quan tâm của dư luận. Đã có những vụ việc như thuyền trưởng lái tàu bằng chân, chặt chém, lừa đảo, ăn trộm tài sản của du khách xảy ra, dù chính quyền, cơ quan chức năng đã xử lý kịp thời, kiên quyết nhưng “con sâu làm rầu nồi canh’ đã gây ảnh hưởng xấu cho du lịch Quảng Ninh.
Với quyết tâm làm trong sạch môi trường du lịch trên vịnh, thời gian qua, với vai trò là cơ quan chủ quản, thành phố Hạ Long đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo văn minh thương mại trên các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long. Tính ra, từ đầu năm đến nay, các lực lượng của thành phố Hạ Long đã ra quân, xử lý 123 vụ việc vi phạm của tàu du lịch, trong đó đình chỉ hoạt động trên 20 tàu, xử phát vi phạm hành chính với tổng số tiền 193 triệu đồng. Các lỗi bị xử phạt chủ yếu gồm tàu du lịch chạy sai luồng tuyến, để các tàu nhỏ đeo bám bán hàng rong, nâng giá dịch vụ ăn uống bắt chẹt du khách, thuyền viên trên tàu lấy trộm đồ của khách du lịch...
Xác định vai trò quan trọng của văn hoá ứng xử trong xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ninh, ngày 3/8/2017, Uỷ ban nhân dân thành phố Hạ Long đã ban hành văn bản số 5985/UBND yêu cầu các chủ tàu du lịch và đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, giám sát thuyền viên, nâng cao kỹ năng ứng xử với khách du lịch, chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn cho tàu du lịch và khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Văn bản yêu cầu các chủ tàu du lịch, tổ chức thực hiện nghiêm túc Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” của UBND tỉnh Quảng Ninh; tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ quản lý tàu du lịch, thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu du lịch về các quy định pháp luật giao thông đường thủy nội địa, các quy định về quy tắc ứng xử, văn hóa, văn minh trong kinh doanh dịch vụ du lịch; đồng thời triển khai các biện pháp để tăng cường quản lý thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu du lịch. Cuối tháng 9 vừa qua, thành phố Hạ Long đã đề nghị Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh từ chối cấp phép rời cảng và đình chỉ hoạt động với một số tàu du lịch do chưa lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn bộ các hoạt động trên tàu để đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch theo quy định.
Được biết, hiện nay có tổng cộng khoảng gần 3.000 nhân lực là thuyền trưởng, máy trưởng, thuỷ thuỷ, nhân viên phục vụ trên hơn 500 tàu du lịch được cấp phép hoạt động trên Vịnh Hạ Long. Mỗi người trong số họ giống như một sứ giả du lịch quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Quảng Ninh đến với khu vực và thế giới. Mỗi hành động đẹp của họ dễ tạo ấn tượng đẹp cho du khách, ngược lại, chỉ một hành động ứng xử thiếu văn hoá cũng dễ gây những tổn hại cho hình ảnh du lịch Quảng Ninh. Bởi vậy, nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long cần phải đồng bộ giữa cơ sở vật chất, phương tiện với yếu tố con người.
Trần Minh
Ý kiến ()