
Chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường
Hình thành từ một vùng áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines vào ngày 16/7/2018, chỉ mất có 2 ngày di chuyển thần tốc, bão số 3 (Sơn Tinh) đã đổ vào Vịnh Bắc Bộ, trở thành cơn bão đầu tiên của năm 2018 đi vào đất liền.
Sau khi đi vào các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 suy yếu thành vùng thấp và được dự đoán sẽ đi sang Trung Lào nhưng bất ngờ, vùng thấp này luẩn quẩn trên vùng đồng bằng Bắc Bộ rồi lại quay ra biển, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. “Tàn dư” của bão số 3 tiếp tục gây ảnh hưởng đến Vịnh Bắc Bộ trước khi tiến đến bán đảo Lôi Châu và vòng lên đi vào đất liền thuộc Quảng Tây (Trung Quốc).
Dù không phải cơn bão mạnh, sức gió lớn nhưng bão số 3 gây ra mưa lớn diện rộng, gây ảnh hưởng hết sức nặng nề, phạm vi không chỉ với các tỉnh phía Bắc mà bao gồm từ Quảng Bình, Nghệ An trở ra. Tính đến ngày 24/7, tổng cộng bão số 3 đã khiến trên 30 người thiệt mạng, hàng trăm nhà bị hư hỏng, nhiều đường sá, cầu cống, công trình, diện tích hoa màu, tài sản của nhân dân bị hư hại. Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), bão tan đã mấy ngày nhưng có những vùng hàng trăm hộ dân vẫn ngập lút mái nhà.
Tại Quảng Ninh, dù không phải tâm ảnh hưởng nhưng bão số 3 đã gây mưa to, rất to trên diện rộng. Các huyện, thành phố Ba Chẽ, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hạ Long nhiều nơi bị ngập lụt, giao thông chia cắt cục bộ. Nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi, công trình đã bị ảnh hưởng, hư hại.
Thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ nay đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, hoạt động chủ yếu ở khu vực Bắc Biển Đông. Trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta (trung bình nhiều năm phổ biến 5-6 cơn) và càng về cuối mùa, báo có khả năng sẽ mạnh hơn.
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển, nhiều khu đô thị giáp biển, trên biển, đảo lại có nhiều hoạt động kinh tế, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ du lịch. Khi xảy ra thiên tai, nguy cơ thiệt hại là rất lớn. Trên đất liền, cơ bản các huyện miền núi có địa hình, sông suối dốc; các khu đô thị Hạ Long, Cẩm Phả nhiều khu dân cư ở trên đồi hay ven đồi, cạnh các sông suối, gần công trường khai thác than... Trong khi đó, nhiều dự án đã và đang trong quá trình thi công nên dễ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Thực tế, việc này những năm qua đã từng xảy ra ở Quảng Ninh gây thiệt hại không ít về người, tài sản. Đáng chú ý, mùa du lịch biển ở Quảng Ninh cũng chính là mùa của những cơn bão, áp thấp nhiệt đới, của giông lốc bất ngờ gây hiểm hoạ khôn lường.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Ninh, trưa 24/7, sau khi đi vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), áp thấp nhiệt đới đã chuyển thành một vùng áp thấp và di chuyển theo hướng tây tây bắc nhưng do ảnh hưởng của rìa phía tây vùng áp thấp, tỉnh Quảng Ninh dự báo có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông. Mưa lớn sẽ tập trung vào các ngày 25 và 26/7. Đợt mưa này có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8.
Chủ động ứng phó - đó là giải pháp tốt nhất trong việc giảm thiểu thiệt hại về thiên tai vốn đang ngày một khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những thiệt hại, ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua gây ra, một phần cũng đã chỉ ra những điểm yếu, điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở để chính quyền các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp liên quan và người dân có giải pháp khắc phục. Nhất là nâng cao cảnh giác, chủ động để ứng phó với thiên tai khi mà “mùa” mưa bão đang đến.
ĐẠI DƯƠNG
Ý kiến ()