Chống thất thu, gian lận thuế
Thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn giấy bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh. Cùng với đó việc sử dụng hoá đơn giấy làm gia tăng chi phí giấy, mực in, vận chuyển, lưu trữ… đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy, triển khai hóa đơn điện tử như “mũi tên” trúng nhiều đích vừa hỗ trợ hiệu quả cơ quan chức năng ngăn chặn nạn mua bán hóa đơn, chống thất thu, gian lận thuế vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí không cần thiết liên quan đến hoá đơn.
Có thể nói, hóa đơn điện tử là giải pháp tiên tiến, mang lại lợi ích đa chiều cho cả doanh nghiệp, tổ chức, người nộp thuế và cơ quan quản lý nhà nước. Sử dụng hoá đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Đơn cử như khi sử dụng hóa đơn giấy, doanh nghiệp phải in một số lượng dự trữ để dùng dần nên ngoài chi phí in ấn còn tốn thêm chi phí bảo quản hóa đơn giấy chưa sử dụng, mất thêm diện tích kho quỹ để lưu giữ hóa đơn giấy. Với hoá đơn điện tử, doanh nghiệp loại bỏ được các chi phí này. Việc tích hợp dữ liệu hoá đơn điện tử đã lập vào phần mềm kế toán, không cần nhập lại, giảm công sức nhân lực, hạn chế sai sót, dễ dàng tra cứu; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy... Đặc biệt tránh được rủi ro nhận hóa đơn giấy của doanh nghiệp ma, tránh được tình trạng nhận phải hóa đơn bất hợp pháp như xảy ra đối với hóa đơn giấy. Doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho việc phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Không chỉ vậy, hoá đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, tăng cường hiệu quả quản lý và là nền tảng để tiếp tục cải cách hành chính theo xu hướng số hóa; phòng ngừa các vi phạm về hóa đơn, ngăn chặn gian lận thuế, trốn thuế, tình trạng làm giả hóa đơn, từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Với lợi ích nhiều mặt của hoá đơn điện tử, ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, thay vào đó là áp dụng hóa đơn điện tử. Toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử.
Để đưa các quy định về hoá đơn điện tử trong Luật Quản lý thuế vào thực tiễn, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn triển khai về hoá đơn điện tử và các quyết định triển khai hệ thống hoá đơn điện tử theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định, bắt đầu từ tháng 11/2021 và giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hoá đơn điện tử.
Xác định triển khai hoá đơn điện tử là xu hướng tất yếu trong thời kỳ 4.0, nhất là những lợi ích đa chiều mà loại hình hoá đơn này mang lại, Quảng Ninh đã đầu tư về mọi mặt, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử từ rất sớm.
Hoá đơn điện tử đã được ngành Thuế Quảng Ninh chủ động triển khai từ năm 2011 theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC (ban hành ngày 14/3/2011) của Bộ Tài Chính. Qua 10 năm thực hiện theo Thông tư này, toàn tỉnh đã có 8.530 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử, chiếm tỷ lệ 95,8% người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn. Đây là cơ sở quan trọng để Tổng cục Thuế lựa chọn Quảng Ninh là một trong 6 tỉnh, thành phố của cả nước triển khai thí điểm thực hiện hoá đơn điện tử giai đoạn 1 theo Thông tư 78.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, từ cuối tháng 9/2021, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường các hoạt động thông tin đến doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn tỉnh về hoá đơn điện tử, tạo được sự đồng thuận cao. Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền, phổ biến về hoá đơn điện tử theo nghị định, thông tư mới cho toàn bộ cán bộ, công chức trong ngành; tổ chức tập huấn cho người nộp thuế, giới thiệu chính sách, giải pháp về hoá đơn điện tử; công khai đường dây nóng sẵn sàng giải đáp, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hoá đơn điện tử...
Có thể thấy, với nền tảng sẵn có, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, chắc chắn rằng Quảng Ninh tiếp tục triển khai thành công hoá đơn điện tử đến tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Bởi việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử là nhu cầu tất yếu của thương mại điện tử hiện đại, tạo sự minh bạch trong xu thế toàn cầu hóa, hiện đại hóa, cải cách hành chính hiện nay, qua đó giúp cơ quan nhà nước theo dõi được các hoạt động kinh tế một cách kịp thời, chính xác và chống thất thu ngân sách.
Ý kiến ()