
Chống "giặc" nCoV và giữ vững tăng trưởng kinh tế
Đó là “bài toán” đang được đặt ra đối với không ít quốc gia, vùng lãnh thổ vào lúc này. Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng cũng đang nỗ lực để làm thật tốt hai mục tiêu quan trọng trên, qua đó góp phần ổn định đời sống xã hội, an toàn cho nhân dân, đồng thời giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Câu chuyện về hàng ngàn tấn thanh long bị ùn ứ tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) được thông quan vào ngày 5/2 cho thấy cùng với tăng cường phòng, chống dịch thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vẫn có thể được đẩy mạnh, trong đó phải tuân thủ nghiêm ngặt những bước, quy trình về phòng dịch.
Như ở Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mọi hoạt động thông quan hàng hóa được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt của các lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm dịch, y tế theo phương châm kiểm soát dịch ngay từ vùng biên. Các tiểu thương, lái xe hai bên được kiểm tra y tế kỹ lưỡng, cách ly tại một khu vực riêng, mọi phương tiện, hàng hóa… đều được khử trùng đảm bảo an toàn trước khi xuất nhập khẩu.
Vấn đề phát triển kinh tế trong thời điểm dịch bệnh nCoV đang được Trung ương cùng các ngành, địa phương đưa ra bàn thảo, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai nhiệm vụ song song đó là vừa quyết liệt thực hiện các giải pháp chống dịch nCoV, vừa phải có phản ứng nhanh về kinh tế, đưa ra kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tinh thần là không gì là không thể để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Phải thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để biến bại thành thắng, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Quảng Ninh cũng đặt ra mục tiêu cao nhất là vừa “chống dịch như chống giặc” vừa giữ vững đà tăng trưởng, những mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Mặc dù những tác động từ dịch bệnh là khá lớn, bao trùm lên nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực và đây sẽ là thách thức rất lớn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh, nhưng với tinh thần quyết liệt, nỗ lực, tỉnh sẽ không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từng sở, ngành, địa phương phải có những giải pháp cụ thể, cố gắng nhiều hơn so với những năm trước, xây dựng, sớm thực hiện những chương trình hành động cụ thể, có hiệu quả, bù đắp các chỉ tiêu dự kiến sẽ giảm trong năm nay. Trong đó, tập trung vào những ngành, lĩnh vực ít chịu tác động từ dịch bệnh như công nghiệp than, điện, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, ngành xây dựng. Tỉnh đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cùng ngành Than phát triển, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai những dự án lớn… qua đó, đóng góp ngân sách, góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Có thể nói, để giữ vững, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng thì mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương phải xây dựng sẵn kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển cả khi có dịch và khi nCoV được đẩy lùi, khống chế hoàn toàn. Đơn cử như ngành Nông nghiệp, cần đẩy mạnh phát triển, đặc biệt là khu vực chăn nuôi khi dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế hoàn toàn, không phát sinh trong một thời gian dài, cùng với đó là đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Luôn cảnh giác, chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch vCoV, nhưng mục tiêu quan trọng không kém là đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng cũng cần thực hiện. Đây là vấn đề phải được các địa phương chủ động bàn thảo, tính toán, xây dựng kế hoạch, kịch bản kỹ lượng cho từng giai đoạn, từng thời gian, từng thời điểm để đời sống xã hội được ổn định, cùng với đó kinh tế phát triển, tăng trưởng bền vững.
Thái Bình
Ý kiến ()