Chớ có “tham bát bỏ mâm”
Trước thực tế này, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thuỷ sản của nước ta gặp nhiều khó khăn và có sự thay đổi về cơ cấu thị phần. Một số thị trường chủ lực như Nhật Bản, EU có nguy cơ bị mất do một số lô hàng thuỷ sản bị phát hiện nhiễm dư lượng hoá chất, thuốc kháng sinh bị cấm. Gần đây nhất, cơ quan chức năng của Nhật đã cảnh báo 14 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của nước ta có lô hàng nhiễm chất kháng sinh cấm.
Tại các thị trường xuất khẩu thuỷ sản chủ lực như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và cả thị trường truyền thống là Nga đều đã dựng lên các rào cản về VSATTP đối với hàng thuỷ sản nhập khẩu. Trong khi đó các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản nước ta vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn về VSATTP của các thị trường này. Chỉ tính riêng với thị trường Nhật, nếu năm 2006 chúng ta vươn lên vị trí số một về thị phần xuất khẩu thuỷ sản với kim ngạch xuất khẩu chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thì sang 6 tháng đầu năm 2007 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tụt dốc chỉ còn chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nguyên nhân của tình trạng hàng thuỷ sản nhiễm dư lượng hoá chất và thuốc kháng sinh cấm là do nhiều doanh nghiệp đã không thực sự chú ý, coi trọng vấn đề VSATTP đối với sản phẩm của mình, do đó đã không xử lý một cách triệt để. Bên cạnh đó vì kém hiểu biết, vì cái lợi trước mắt mà người nuôi đã sử dụng con giống không đảm bảo, môi trường nuôi bị ô nhiễm, dùng các loại thức ăn, thuốc thú y tuỳ tiện trôi nổi trên thị trường; việc quy hoạch các vùng nuôi tập trung theo công nghệ hiện đại còn hạn chế v.v...
Quảng Ninh là tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn, có các cơ sở chế biến thuỷ sản xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho tỉnh nên không thể không coi trọng vấn đề VSATTP đối với các sản phẩm này. Người nuôi và các cơ sở chế biến đừng vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến uy tín, sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của tỉnh. Ngành Thuỷ sản và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường chỉ đạo, giám sát để đảm bảo các tiêu chuẩn của sản phẩm thuỷ sản tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Ý kiến ()