Chèo đến với Đông Triều từ đâu, từ bao giờ vẫn là một câu hỏi để ngỏ, chỉ biết khi nhắc đến Đông Triều là nhắc đến vùng đất chèo có truyền thống của Quảng Ninh. Bởi sự mai một của thời gian, bởi sự thay đổi của nhân sinh, những làn điệu chèo mượt mà ấy không tránh khỏi có lúc bị chìm lắng đi. Giờ đây, tiếng chèo nơi đây đang có sự tiếp sức để khơi lại mạch nguồn nội sinh vẫn âm thầm chảy giữa những đổi thay trên quê hương Đệ tứ Chiến khu năm nào...
Tham gia một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca chèo TX Đông Triều, chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Cẩn, tay chơi trống của CLB. Bậc cao niên ở tuổi 80 này đã có khoảng 20 năm tham gia CLB 8/6 - Đệ tứ chiến khu, sau là CLB Người cao tuổi cũng là tiền thân CLB Dân ca chèo của thị xã, mới được thành lập dịp tháng 7 vừa qua.
Các thành viên CLB háo hức trước buổi tập. |
Chừng ấy năm gắn bó với tiếng trống chèo cũng là bấy nhiêu năm ông nếm trải những thăng trầm với chèo, khi chèo có được sự quan tâm, coi trọng mà cũng có thời điểm các thành viên phải tự xoay xở, khó trăm bề... Vậy làm sao mọi người vẫn duy trì được tình yêu với chèo giữa bộn bề đời sống hiện đại? Ông Cẩn bảo, đó là từ nguyện vọng của các thành viên là những người yêu chèo, ở hầu khắp các xã, phường của Đông Triều, xa nhất là Tràng Lương, Hồng Thái Tây, gần hơn là Hồng Phong, Kim Sơn, Đức Chính, Tân Việt, Việt Dân... Mọi người hội tụ ở đây cho đến giờ đều là tự nguyện cả với mong muốn duy trì những làn điệu chèo cho mai sau...
Trong số gần 20 nam, nữ hội viên CLB, chị Vũ Thị Tính, khu Yên Lâm 1, phường Đức Chính, cũng thuộc diện kỳ cựu. Mê chèo từ thuở nhỏ nên ngay từ hồi còn bé, đi xem chèo rồi về nhà chị thường cầm nón hát theo. Chị đi hát ở phường, xã nhiều năm nay rồi, giờ vào CLB Dân ca chèo của thị xã chị vui vì lại được nhiều nghệ nhân đi trước giúp đỡ, truyền dạy lại. Người dân giờ có nhiều thú vui giải trí rồi nên sức mê hoặc của chèo cũng bớt đi, nhất là với lớp trẻ nhưng tình yêu chèo thì không vơi bớt trong chị. Chị bảo: “Càng được học chèo, tôi càng thấy ngấm sâu, càng nghe chèo càng đi vào lòng người. Tôi chỉ mong muốn có sự quan tâm hơn đến chèo để có thể truyền lại cho con cháu đời sau, mãi giữ được truyền thống của quê hương, đất nước mình”.
Nghệ nhân chèo Nguyễn Thị Kim Môn hướng dẫn các thành viên CLB những động tác múa. |
Dẫn dắt CLB Dân ca chèo giờ đây là Nghệ nhân chèo Nguyễn Thị Kim Môn, thôn Bình Lục Thượng, xã Hồng Phong - một “cái nôi” chèo của Đông Triều. Tham gia phong trào hát chèo mấy chục năm ở Đông Triều, cuối năm 2017 vừa qua, bà Môn đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam. Phấn khởi vì những cố gắng của mình cho nghệ thuật chèo trong hoạt động phong trào được ghi nhận, được vinh danh, Nghệ nhân Kim Môn giờ đây càng mừng hơn bởi vì tháng 7 vừa qua, TX Đông Triều vừa mở một lớp hát chèo trong 10 ngày, thu hút 93 học viên từ khắp các CLB chèo trên địa bàn thị xã tham gia. “Tôi thấy rất mừng vì lớp trẻ đi học, trẻ nhất có 26 tuổi thôi, chứ như trước đây các lớp hát chèo toàn trung, cao tuổi. Mọi người rất nhiệt tình tham gia, nắng mưa đều đi học cả. Là người đam mê chèo của quê hương Đông Triều, tôi rất mừng vì thấy chèo đã ngấm sâu rộng như vậy, các xã, phường của Đông Triều đều có người yêu chèo cả, nơi đã có CLB, nơi là vài người yêu thích, đam mê chèo nhưng phong trào chung phát triển rất rộng rãi. Tôi mê chèo nhưng năm nay ngoài 70 tuổi rồi, chỉ mong là mình còn sức lực đến đâu thì truyền đạt lại, sau này mình có ra đi thì Đông Triều vẫn còn tiếng hát chèo...” – Nghệ nhân Kim Môn trải lòng.
Những nhân tố ở cơ sở đam mê chèo là một thuận lợi nhưng để chèo trở thành phong trào rộng khắp, được duy trì thường xuyên và có chất lượng về chiều sâu thì cần nhiều hơn thế. Chính vì vậy, thời gian qua, TX Đông Triều đã dành sự quan tâm không nhỏ cho các chiếu chèo trên địa bàn. Nếu như trước đây phải 4 đến 5 năm địa phương mới lại mở những lớp hát chèo thì từ năm 2015, cứ 2 năm/lần, các nghệ nhân, những người yêu chèo lại có cơ hội ngồi chung với nhau ở các lớp hát chèo. Qua đây, họ được giao lưu, trau dồi thêm, đồng thời phát hiện những nhân tố mới cho việc duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo. Các nghệ nhân ở cơ sở vừa biểu diễn vừa tham gia đào tạo về hát, múa có bà Kim Môn, sáng tác bài hát mới và đào tạo về trống, phách có ông Nguyễn Minh Tá (đã mất), ông Nguyễn Ngọc Cẩn, gần đây thị xã còn mời NSƯT Thanh Chắc về với cơ sở...
“Không chỉ tập huấn, đào tạo mà muốn duy trì phong trào thì phải có sân chơi để học viên được tham gia giao lưu, biểu diễn, học hỏi...” - ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng VHTT, Giám đốc Trung tâm TT-VH TX Đông Triều, chia sẻ. Vì vậy, trên cơ sở phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Liên hoan Tiếng hát làng, khu phố thị xã tổ chức hằng năm trong dịp Lễ hội đền An Sinh - một trong 2 lễ hội lớn nhất của Đông Triều, do thị xã tổ chức - địa phương đã có điểm cộng khuyến khích cho các làng, khu phố đưa những tiết mục nghệ thuật dân tộc, trong đó có chèo vào biểu diễn. Ở lễ hội xuân Ngoạ Vân tổ chức thường niên kể từ năm 2016, đã thành truyền thống đều có chương trình giao lưu các làn điệu chèo. “Mang chuông đi đánh xứ người” tại các hội thi của tỉnh, Đông Triều đều mang chèo đi và khẳng định thế mạnh, đặc trưng nét văn hoá truyền thống này với các giải cao. Gần đây nhất, tại Liên hoan Tiếng hát làng – khu phố tỉnh Quảng Ninh năm 2017, Đông Triều đã đoạt 2 giải A cho 2 tiết mục chèo mới và chèo cổ, là niềm khích lệ không nhỏ cho các nghệ sỹ, diễn viên.
Cùng với việc duy trì các làn điệu chèo cổ, thị xã cũng động viên các nghệ nhân trên địa bàn sáng tác những làn điệu chèo mới với nội dung ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước, sự đổi thay của Đông Triều, nhằm mang hơi thở đương đại vào nghệ thuật truyền thống, đưa chèo đến gần hơn với đời sống hôm nay. Song song đó là việc thành lập các CLB chèo, trên cơ sở các CLB văn hoá, văn nghệ phát triển rất mạnh mẽ tại các thôn, khu ở các xã, phường trên địa bàn. Đặc biệt, vừa qua, Trung tâm TT-VH thị xã đã thành lập CLB Dân ca chèo như đã kể trên, để làm hạt nhân duy trì và trau dồi nhân tố cho phát triển.
Những năm gần đây, các chiếu chèo của Đông Triều ngày càng được nhân rộng, khởi sắc hơn, với những chiếu chèo tiêu biểu như Quế Lạt (Hoàng Quế), Bình Lục Thượng (Hồng Phong), An Biên (Thuỷ An)... Số người tham gia học và biểu diễn chèo không chỉ nhiều lên mà còn có xu hướng trẻ hóa, có thêm những nhân tố mới. Ông Tùng chia sẻ: Tại lớp học hát chèo địa phương tổ chức vào tháng 7 vừa qua, có tới gần 100 học viên tham gia, nhiều nhất kể từ trước đến nay. Các doanh nghiệp cũng cử người tham gia, như Công ty TNHH Du lịch làng quê Yên Đức có 3 học viên, họ học là để về biểu diễn phục vụ khách du lịch. Đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi đang muốn định hướng, giao cho CLB dân ca chèo Đông Triều, là phải tạo thành sản phẩm để phục vụ cho du lịch, vừa duy trì phong trào vừa tạo ra nguồn thu nhập cho CLB.
CLB Dân ca chèo vừa mới thành lập, khởi đầu nên còn rất nhiều việc cần làm phía trước. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tùng cho hay, sau khi hoạt động của CLB đi vào ổn định, năm tới Trung tâm TT-VH thị xã dự kiến phối hợp với ngành Giáo dục mở các lớp hát chèo trong các trường học, nhằm duy trì phong trào bền vững, trẻ hoá và có nguồn nhân lực biểu diễn thường xuyên hơn. Để “chèo tự nuôi chèo” thì ý tưởng về một cơ chế đặt hàng, tổ chức biểu diễn đan xen gắn với các loại hình ca, múa, nhạc mới trong các sự kiện là tương đối khả thi, nhất là khi CLB trực thuộc Trung tâm TT-VH thị xã, có cán bộ, nhân viên tham gia sát sao và cùng sinh hoạt với các hội viên. Với mục tiêu ấy, yêu cầu đặt ra với CLB Dân ca chèo cũng khá cao, đòi hỏi mỗi thành viên phải nỗ lực nhiều hơn. Đó là phải nâng cao về chất lượng giọng hát, kỹ năng trình diễn qua việc thường xuyên tập luyện, đi kèm là tiếng đàn, nhịp trống, phách... vốn không thể thiếu trong chèo. Qua đó xây dựng được chương trình biểu diễn của CLB, đảm bảo tính ổn định, đồng thời linh hoạt trong phục vụ tại các chương trình, sự kiện của địa phương. “Đất diễn của chèo ở Đông Triều không thiếu, với các khu du lịch đồng quê như Yên Đức, Quảng Ninh Gate, một chiếu chèo là cần thiết, giá trị nếu đảm bảo được về chất lượng biểu diễn và có sự chung tay của doanh nghiệp...” – ông Tùng nhấn mạnh.
Có thể nói, chèo trên vùng quê lúa Đông Triều xưa và thị xã cửa ngõ hôm nay đã, đang được tiếp sức, để những làn điệu chèo mượt mà, say đắm lòng người có cơ hội thấm sâu, lan tỏa...
Bài: Phan Hằng
Ảnh, trình bày: Hùng Sơn
Video: Minh Đức
Ý kiến ()