
Chia sẻ và sẵn sàng cùng miền Đông vượt lũ
Cơn bão số 3 (Sơn Tinh) dù không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh nhưng ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão đã thấy rõ. Mưa vừa đến mưa to và rất to xảy ra ở tất cả các địa phương trên toàn tỉnh, nước lũ dâng cao gây ngập lụt, chia cắt nhiều khu dân cư, tuyến đường.
Đến trưa ngày 19/7, các địa phương khu vực miền Đông của tỉnh đều đã có mưa rất to, nước lũ trên các sông, suối dâng nhanh gây ngập lụt các cầu tràn và điểm thấp trũng. Trong đó nặng nhất là tại huyện Ba Chẽ, tính đến 11h trưa ngày 19/7, 3 tuyến đường chính (330, 330B, 329) dẫn vào trung tâm huyện đều đã bị ngập, huyện bị chia cắt hoàn toàn. Do nước lũ dâng cao, thị trấn Ba Chẽ chìm trong biển nước, nhiều nhà dân bị ngập lụt, toàn huyện đã bị mất điện….
Các lực lượng ứng cứu, hỗ trợ cho Ba Chẽ đã được huy động, gần 200 hộ dân trong khu vực nguy hiểm được khẩn cấp di chuyển đến vị trí an toàn, các điểm ngập lụt có lực lượng trực gác 24/24, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Trực tiếp có mặt kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, chia sẻ, động viên chính quyền, nhân dân huyện Ba Chẽ, ngay trong chiều ngày 19/7, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đã yêu cầu huy động các lực lượng, vật tư dự phòng, triển khai quyết liệt các phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, bảo vệ tài sản cho nhân dân, quyết không để người dân nào bị thiệt mạng do mưa lũ.
Theo cảnh báo của của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do hoàn lưu của bão nên mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới, dự báo mưa lớn, lũ sẽ xảy ra. Như vậy, khả năng người dân Ba Chẽ tiếp tục phải hứng chịu lũ lụt trong những ngày tới có thể sẽ vẫn xảy ra.
Ba Chẽ, địa phương khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, trên 90% người dân sinh sống trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, bà con chủ yếu sinh sống ở các địa bàn sâu, xa, những khu vực khá nhạy cảm với thiên tai do sạt lở đất đá, ngập lụt. Còn nhớ năm 2008, Ba Chẽ là địa bàn bị ngập lụt, chia cắt nghiêm trọng trong cơn lũ lịch sử, khó chồng khó khi tài sản của rất nhiều hộ dân trên địa bàn bị nhấn chìm trong cơn nước lũ. Liên tiếp sau đó năm 2016, 2017, Ba Chẽ đều bị ngập lụt, nước lũ chia cắt trong mùa mưa bão. Mưa lũ, ngập lụt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt tức thì của người dân mà còn kéo theo những hệ lụy rất lớn đối với người dân vùng khó này do tài sản, hoa màu, công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng trong mưa lũ. Khó chồng khó với huyện có số thu ngân sách hằng năm chưa đến 30 tỷ đồng, mưu sinh của đồng bào chủ yếu dựa vào cánh rừng, số ruộng canh tác lúa ít ỏi, con trâu, con bò chăn thả trên đồi… sau lũ sẽ càng khó hơn.
Chiều tối ngày 19/7, lũ cũng đã bắt đầu xuất hiện ở một số khu vực của huyện Tiên Yên, xã Điền Xá, xã Tiên Lãng, thị trấn Tiên Yên nước lũ đã dâng cao, nhiều khu dân cư, tuyến đường đã bị ngập lụt, nhân dân bắt đầu di chuyển đồ đạc để tránh lũ. Các lực lượng chức năng cũng đã được huy động cùng nhân dân ứng phó với mưa lũ và nhân dân toàn tỉnh đã chia sẻ và sẵn sàng cùng Ba Chẽ, Tiên Yên vượt qua cơn lũ năm 2018!
Ngọc Lan
Ý kiến ()