Tiêm vắc-xin đề phòng nguy cơ bùng phát dịch sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi vi rút sởi. Nguyên nhân gây ra dịch sởi phần lớn do sự chủ quan của người dân không tiêm chủng. Đây là loại bệnh rất dễ lây lan và gây ra rất nhiều biến chứng. Tiêm vắc-xin sởi hiện là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Bệnh sởi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc phải nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Trước khi có vắc-xin, sởi là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhờ có sự ra đời của vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sởi đã giảm đáng kể.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2024 cả nước ghi nhận 14.287 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi trong đó 4 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. Tại Quảng Ninh tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp mắc sởi trong đó tại Đầm Hà (2 ca), Hải Hà (1 ca), Hạ Long (1 ca).
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi.
Khi vi rút sởi xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ sốt cao liên tục trong khoảng thời gian dài sẽ làm khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút và gây bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm: Đối với hệ hô hấp gây viêm thanh quản, viêm phế quản phổi, viêm tai giữa, tái phát các cơn hen phế quản nặng trên trẻ bị hen phế quản. Trẻ có thể suy hô hấp thậm chí tử vong; đối với hệ tiêu hóa gây tiêu chảy nặng, kéo dài, nguy cơ dẫn đến hội chứng kém hấp thu sau tiêu chảy, về lâu dài gây suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ; gây viêm giác mạc, loét giác mạc hoặc ảnh hưởng đến thị giác vĩnh viễn. Một số trường hợp trẻ có biểu hiện viêm não do vi rút sởi: Li bì, hôn mê, co giật… Tiêm vắc-xin sởi giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại vi rút sởi. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa lây nhiễm mà còn làm giảm nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm liên quan đến bệnh.
Khi một tỷ lệ lớn dân số được tiêm vắc-xin, hiện tượng “miễn dịch cộng đồng” sẽ xảy ra. Điều này có nghĩa là khi phần lớn mọi người trong cộng đồng được bảo vệ, khả năng lây lan của vi rút giảm đi đáng kể, từ đó giúp bảo vệ cả những người không thể tiêm vắc-xin, như trẻ sơ sinh hoặc những người có hệ miễn dịch yếu. Vì vậy việc tiêm vắc-xin phòng bệnh nói chung và vắc-xin sởi nói riêng là vô cùng cần thiết.
Bác sĩ Bùi Thanh Nam, khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Quảng Ninh đã triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng sởi cho trẻ từ 9-12 tháng tuổi và vắc-xin phòng sởi - rubella cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi trong chương trình TCMR. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh triển khai tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng sởi, sởi - rubella cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc-xin trong TCMR. Tính đến hết tháng 12/2024, kết quả tiêm chủng vắc-xin phòng sởi năm 2024 cho đối tượng trẻ 9-12 tháng tuổi đạt 94,25%, vắc-xin phòng sởi - rubella cho trẻ 18-24 tháng tuổi đạt 89,46%, đều đạt và vượt tiến độ đề ra. Kết quả tiêm vét cho đối tượng trẻ năm 2023, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ 9-12 tháng tuổi đạt 96,9%, vắc-xin phòng sởi - rubella cho trẻ 18-24 tháng tuổi đạt 97,4%, đạt chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Y tế.
Ý kiến ()