Chất vấn và trách nhiệm
Khác với các phiên thảo luận, thường để giúp Quốc hội có thêm thông tin từ các báo cáo thì các phiên chất vấn là để Quốc hội đánh giá thông tin và đưa ra ý kiến chính thức của mình. Khi xã hội quan tâm về tính hiệu quả của gói kích cầu bù lãi suất cho doanh nghiệp, khi tình trạng sai phạm trong vấn đề trợ cấp hộ nghèo xảy ra gây bức xúc trong dư luận, hoặc những hạn chế còn hiển hiện trong hoạt động văn hóa xã hội thì hoạt động giám sát phải tập trung vào những chỗ này, điều đó đúng.
Nhưng vấn đề của chất vấn không phải chỉ để các bộ trưởng giải trình kiểu như xem có bao nhiêu hộ đã được hỗ trợ hoặc các sai phạm đã diễn ra như thế nào, mà chất vấn phải chủ yếu để thấy được nguyên nhân là do đâu để từ đó Quốc hội đưa ra ý kiến về việc ai phải chịu trách nhiệm và phải giải quyết nó như thế nào.
Nhưng lâu nay, các chất vấn thay vì đặt vấn đề giám sát chính sách ở tầm cao lại thường đi vào các vụ việc cụ thể. Do thường sa vào vụ việc cụ thể nên chưa khi nào các đại biểu Quốc hội làm rõ được các vấn đề ở tầm chính sách, xác định được trách nhiệm và chế tài nó.
Một cụm từ rất hay được nhắc đến trong các kỳ chất vấn gần đây, đó là "tôi xin nhận trách nhiệm". Nhưng cử tri không biết “chịu trách nhiệm”như thế nào và mức độ ra sao. Trách nhiệm đưa ra quyết định “chịu trách nhiệm” khi ấy thuộc về Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Ý kiến ()