
Chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ
Vấn đề dinh dưỡng của trẻ em vùng DTTS đóng vai trò quan trọng bởi tác động trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe, khả năng phát triển thể chất và trí não của trẻ; từ đó ảnh hưởng tới chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương. Do đó, nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em vùng DTTS đã được triển khai, tạo chuyển biến tích cực từ cơ sở.
Trong tháng 5/2025, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức hội thi “Kiến thức mẹ, sức khỏe con” lần lượt tại các địa phương trong toàn tỉnh, thu hút hàng ngàn lượt thí sinh tham gia và khán giá quan tâm theo dõi. Sân chơi này là dịp để đông đảo chị em hội viên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em; đặc biệt là hướng tới các nữ thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đang nuôi dưỡng con nhỏ, người nuôi dưỡng trẻ... Thông qua các hình thức thi như xử lý tình huống, trả lời trắc nghiệm, sân khấu hóa, trình diễn video/clip... các hội thi diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, giúp truyền tải hiệu quả nhiều kiến thức bổ ích cho cả các thành viên đội thi và cổ động viên đến tham dự. Cụ thể gồm: Các thông tin về chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý cho phụ nữ mang thai và cho con bú; thực đơn trong ngày đảm bảo năng lượng và dưỡng chất cho trẻ từ 0 - 5 tuổi... Đây đều là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Chị Chíu Sám Múi (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) cho biết: Hội thi đã giúp chị nhận ra nhiều điều còn thiếu sót trong việc chăm lo cho các con. Bữa ăn hằng ngày chỉ đảm bảo được no bụng mà chưa chú ý tới việc đảm bảo đầy đủ, cân bằng về dinh dưỡng. Nguyên nhân một phần kinh tế eo hẹp, một phần do thiếu thông tin, kiến thức khoa học về vấn đề này. Vẫn là những công việc chăm chút cho bữa cơm hằng ngày của gia đình, nhưng chỉ cần điều chỉnh cách lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm... cũng đã tạo được những thay đổi rõ rệt về chất lượng bữa ăn.

Những năm qua, các nội dung của Đề án “Tuyên truyền, vận động, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh” đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể toàn tỉnh cùng vào cuộc. Nhiều mô hình, dự án, chương trình cụ thể đã và đang được triển khai hướng về cơ sở, với mục tiêu cải thiện tầm vóc và thể lực của người đồng bào DTTS, miền núi, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực của tỉnh. Đồng thời góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Tại nhiều xã, thị trấn thuộc vùng DTTS của tỉnh, Hội LHPN đang là nòng cốt xây dựng và duy trì các mô hình Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ. Theo đó, họ là những tuyên truyền viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để khéo léo vận động, hỗ trợ các gia đình đang nuôi con nhỏ về cách chăm sóc sức khỏe trẻ ngay tại gia đình, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo từng giai đoạn. Nhờ đội ngũ này mà các chương trình, chiến dịch nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung vitamin, nuôi con bằng sữa mẹ... được phổ biến và triển khai sâu rộng. Nhất là đã đến được với những hộ gia đình tại khu vực đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo với điều kiện tiếp nhận thông tin chưa thuận lợi như khu vực trung tâm.
Cùng với đó là triển khai các lớp tập huấn do Hội LHPN các cấp chủ trì, phối hợp triển khai để tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em; về kiến thức chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại cộng đồng cho nhóm đối tượng là cán bộ làm công tác y tế thôn bản, cộng tác viên dinh dưỡng, các nữ thanh niên, bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ vùng cao, đồng bào DTTS... Nhiều đơn vị, tổ chức cũng thường xuyên phối hợp với các nhãn hàng sữa để vận động xã hội hóa, trao tặng sản phẩm dinh dưỡng, bổ sung vi chất cho trẻ em dưới 5 tuổi vùng DTTS.
Ngành Y tế tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, lồng ghép trong chăm sóc trước sinh tại các trạm y tế và cộng đồng. Các cơ sở y tế thực hiện tốt quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Với các trường hợp sinh thường, thực hiện tư vấn để trẻ được bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh tại trạm y tế có đỡ đẻ. Ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn đều tổ chức khám sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người và 3 tháng/lần/trẻ với trẻ em dưới 2 tuổi; triển khai tư vấn dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi... Đồng thời có đội ngũ hỗ trợ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày đầu sau sinh tại nhà, góp phần đảm bảo cho chiến lược dinh dưỡng quốc gia trên địa bàn tỉnh được củng cố từ tỉnh tới cấp xã.
Những nỗ lực nêu trên phần nào cho thấy trách nhiệm, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh dành cho trẻ em nói riêng, rộng hơn chính là vì mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Ý kiến ()