
Cắt cơn "sốt đất ảo"
Những ngày qua, trên địa bàn phường Hà Khánh (TP Hạ Long) và xã Thống Nhất, Lê Lợi (huyện Hoành Bồ) lại tái diễn hiện tượng “sốt đất ảo”. Thị trường bất động sản tại những khu vực này trước kia vốn rất trầm lắng, thì nay sôi động hơn bao giờ hết, các nhà môi giới thổi giá đất lên gấp nhiều lần so với trước kia. Lý do được “cò đất” đưa ra khi giới thiệu mua bán là do huyện Hoành Bồ sắp sáp nhập vào TP Hạ Long, nên giá đất cũng vì thế mà tăng cao.
Cuối tuần, qua chị bạn giới thiệu, tôi được một người môi giới đất dẫn đi tham vòng quanh dự án bất động sản tại khu vực Hà Khánh C. Mặc dù đầu tư đã lâu, nhưng cả dự án toàn lau sậy, một vùng chỉ có vài ngôi nhà ở gần đường 337, có lẽ là nhà của người dân được TP Hạ Long bố trí tái định cư.
Cô gái môi giới đất khua tay một vòng khu vực toàn lau sậy rồi giới thiệu cho tôi về dự án. Mặc dù ở khu vực Hà Khánh C, thế nhưng giá một ô đất biệt thự trên 300m2 đã là trên 11 triệu đồng/m2, ô nhà ở liền kề trên 90m2 tuỳ từng vị trí giá dao động từ 11 triệu đồng đến 13 triệu đồng/m2. Để tôi yên tâm về dự án, người môi giới đưa ra một bản đồ quy hoạch rồi chỉ chi tiết từng ô đất và giá cả. Khi tôi thắc mắc giá có vẻ hơi cao so với trước kia, cô gái môi giới ngay lập tức chỉ về phía sông Cửa Lục giới thiệu về cây cầu Cửa Lục chuẩn bị được đầu tư để nối vào khu vực dự án và khi có cầu thì giá đất sẽ còn tăng cao nữa. Không phải dự án này, mà nhiều dự án ở khu vực Hà Khánh B, Hà Khánh C, cả bên phía Hoành Bồ cũng vì thế mà “nóng” hơn rất nhiều.
Tôi chợt nhớ, trước kia, anh bạn tôi được TP Hạ Long bố trí cho một ô đất tái định cư tại khu vực Hà Khánh C với giá chỉ 4-5 triệu đồng/m2. Khi cần tiền xây nhà, anh bạn tôi đã phải tìm người mua mãi mới bán được, mà giá hầu như không tăng là bao. Vậy mà giờ đây, mượn vào cái cớ Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long, các “cò đất” đã tạo nên một cơn “sốt đất ảo” thổi giá lên cao rất nhiều lần, qua đó gây hoang mang cho người dân khi cần mua đất để xây nhà ở.
![]() |
Khu tái định cư Bắc Cửa Lục (thôn Tân Tiến và An Biên 1, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ) đang là một trong những khu vực "sốt đất ảo". Ảnh: Phạm Tăng |
Không chỉ ở khu vực Hà Khánh (TP Hạ Long) mà phía bên kia cầu Bang (huyện Hoành Bồ) thị trường bất động sản cũng “nóng” không kém.
Tại một số dự án ở xã Lê Lợi, Thống Nhất (huyện Hoành Bồ) đang diễn ra tình trạng đầu cơ tích trữ, mua bán, giao dịch đất rầm rộ… Mà chủ yếu là do các “cò đất” cố tình tạo ra nhằm dựng nên cơn “sốt đất ảo”.
Dọc con đường chạy qua địa bàn xã Thống Nhất, Lê Lợi nhan nhản những tấm biển rao bán nhà đất kèm theo số điện thoại của các “cò đất”. Qua tìm hiểu, giá đất tại khu khu tái định cư Bắc Cửa Lục khoảng 2-3 tháng trước chỉ dao động từ 2-4triệu đồng/m2 mà không có người mua, thì khoảng 2 tuần nay, một số “cò đất” đã đổ xô về đây tạo những giao dịch, mua bán đất, đẩy giá đất khu vực này lên tăng gấp 2-3 lần, trung bình từ 7-10 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đây chỉ là hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính các “cò đất” nhằm thao túng thị trường, tạo các giao dịch "mồi", cơn “sốt đất ảo” để dụ khách hàng vào mua đất.
Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn Hoành Bồ xảy ra “sốt đất ảo”. Trước đó, vào tháng 3 và tháng 5/2019, tình trạng “sốt đất ảo” cũng diễn ra tại địa bàn thị trấn Trới, xã Lê Lợi, Thống Nhất.
Để người dân không mắc bẫy “sốt đất ảo”, UBND huyện Hoành Bồ đã ra thông báo về việc cảnh giác “sốt đất ảo”, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, rà soát. Huyện yêu cầu tạm dừng việc thụ lý, giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất; tạm dừng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản trong quy hoạch liên quan đến quỹ đất các dự án cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3...
Có thể nói, để các “cò đất” tạo được những cơn “sốt đất ảo” thì một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án. Nếu như hai đơn vị này phối hợp với nhau công bố, niêm yếu công khai quy hoạch, giá cả bất động sản của các dự án thì chắc chắn người dân sẽ không còn mông lung, mơ hồ về thị trường bất động sản, qua đó không mắc bẫy những chiêu trò của “cò đất”.
“Sốt đất ảo” không phải là lần đầu tiên xảy ra, thế nhưng chưa bao giờ hiện tượng này được dẹp bỏ, xử lý, chính vì vậy, để không bị cuốn theo cơn sốt này thì người dân phải chủ động, thận trọng tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi đầu tư đất, tránh sập bẫy "sốt đất ảo".
Thái Bình
Ý kiến ()