Cảnh giác với biến chủng mới của Omicron có khả năng lẩn trốn mạnh hệ miễn dịch
Theo nghiên cứu, gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra biến chủng BA.2.75.2, là biến chủng mới của biến thể Omicron gây bệnh Covid-19. Chủng này có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch mạnh nhất tính đến thời điểm này. Biến chủng BA.2.75.2 có hai đột biến giúp nó dễ dàng bám vào các tế bào của con người và xuyên thủng hệ miễn dịch mạnh hơn bao giờ hết.
BA.2.75.2 là một dòng phụ của biến thể BA.2.75, được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 5 vừa qua. Nó đã khiến các nhà nghiên cứu chú ý đến vì những đột biến chưa từng có. Do sở hữu hai đột biến nên giúp nó dễ dàng bám chặt và xâm lấn vào tế bào con người. Nguy hiểm hơn nữa, vi rút này còn có khả năng né tránh hàng rào miễn dịch mạnh mẽ có được nhờ tiêm vắc xin và nhiễm vi rút trước đó. Điều đó khiến các phương pháp điều trị bằng kháng thể trở nên kém hiệu quả hơn.
Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang theo dõi BA.2.75 và các biến thể phụ khác trong bối cảnh vi rút SARS-CoV-2 tiếp tục lưu hành trên khắp thế giới. Trong đó có việc làm việc với các chuyên gia để đánh giá sự lây truyền và mức độ nghiêm trọng của chủng vi rút mới, cũng như tác động của các biện pháp đối phó...
Ở trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc, trong khi nhiều nơi tiến độ tiêm vắc xin vẫn chậm, đạt tỷ lệ thấp...
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.476.908 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.983 ca nhiễm).
Thực tế cho thấy, trong vài ngày vừa qua số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận trong nước giảm so với trước đó (thường trên 2.000 ca/ngày). Đã 5 ngày liên tiếp, số ca mắc mới dưới 2.000 ca/ngày, trong đó riêng ngày 25/9, số mắc mới ghi nhận thấp nhất trong 2 tháng qua, dưới 1.000 ca, số bệnh nhân nặng cũng giảm nhẹ (chỉ trên, dưới 100 ca), trong khi trước đó có những ngày lên đến gần 200 ca, thường xuyên duy trì con số 150 ca...
Tuy diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước có những tín hiệu tích cực trong những ngày qua, song điều này chưa có tính bền vững. Nhất là hiện nay khi xuất hiện biến chủng mới BA.2.75.2 có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch mạnh nhất tính đến thời điểm này.
Do vậy công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay cần các giải pháp, đối sách mới phù hợp, hiệu quả hơn. Đó là cần cảnh giác cao độ với những biến thể mới của vi rút Covid-19, nhất là với những biến thể có khả năng cao né tránh hệ miễn dịch được tạo ra từ việc tiêm phòng Covid-19 trước đó và những người đã từng nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó là thực hiện nghiêm các khuyến cáo mới của ngành Y tế về công tác phòng, chống dịch, nhất là các quy định về đeo khẩu trang phòng dịch và đẩy mạnh việc bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng, để đảm bảo nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng.
Chúng ta đều biết, tốc độ gia tăng số ca mắc hằng ngày của dịch Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (vi rút SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ của miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc xin; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Do vậy, để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, nhất là trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới, có khả năng lây lan nhanh, lẩn trốn hệ miễn dịch, thì hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng Covid-19 và nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về công tác phòng, chống dịch...
Ý kiến ()