
Cảnh báo nguy cơ đột quỵ trong giới trẻ
Không còn là căn bệnh của người cao tuổi, đột quỵ đang ngày càng trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn với nhiều người trẻ. Lối sống thiếu lành mạnh, chủ quan với sức khỏe, cùng việc thiếu hiểu biết về “thời gian vàng” cấp cứu khiến nhiều người trẻ phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm đến nay đơn vị đột quỵ trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo đã tiếp nhận khoảng 15% trong tổng số ca đột quỵ não là người dưới 45 tuổi, trong đó có khoảng 70% bệnh nhân sau đột quỵ ảnh hưởng nặng nề đến sức lao động. Có thể kể đến như trường hợp bệnh nhân nữ 21 tuổi ở xã Quảng Hà, nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái, nói khó. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp và được xử trí tiêu sợi huyết. Sau thời gian điều trị tại khoa, bệnh nhân đã cải thiện về cơ lực.

Một trường hợp khác là bệnh nhân 5 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người trái. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não do dị dạng thông động tĩnh mạch. Sau can thiệp mổ sọ não, bệnh nhân ý thức tỉnh, cơ lực chân tay vận động bình thường.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Dung (Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Nhiều người trẻ nghĩ mình còn khỏe, không đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ khi bị đột quỵ phải nhập viện mới phát hiện bệnh lý nền về tim mạch, huyết áp. Những bệnh lý nền không được phát hiện sớm và điều trị đúng thì đến một lúc nào đó bùng phát kết hợp với những yếu tố khác sẽ dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ não gồm có nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não là mạch máu não bị tắc nghẽn do cục máu đông, ngăn chặn dòng máu cung cấp ô xy và chất dinh dưỡng đến nuôi tế bào máu tương ứng, các tế bào máu não đó chết đi dẫn đến chức năng điều khiển vận động, nhận thức, ngôn ngữ… sẽ bị mất đi. Xuất huyết não là mạch máu não vỡ ra do dị dạng mạch (thường hay gặp ở người trẻ), do tăng huyết áp (người bệnh không quản lý và điều trị tốt bệnh lý nền).
Về dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Dung cho biết: Khuôn mặt có biểu hiện bất thường như méo miệng, liệt mặt, cười nói bị lệch mặt, ăn cơm hoặc uống nước bị rơi; tay, chân một bên người bị tê liệt, yếu, đi lại thấy một bên người không bình thường; nói khó hơn bình thường, nói không tròn tiếng, khó phát ngôn hoặc không phát ngôn được.

Hiện nay, “cửa sổ vàng” trong điều trị đột quỵ là khoảng 4,5-6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Can thiệp càng sớm, khả năng cứu sống và phục hồi càng cao. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các kỹ thuật can thiệp hiện đại như tiêu sợi huyết, lấy huyết khối cơ học, hạ thân nhiệt chỉ huy... đã cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch. Trong năm 2024, bệnh viện đã thực hiện thành công 49 ca tiêu sợi huyết và 54 ca lấy huyết khối cơ học. Bệnh viện cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh giành Giải thưởng Bạch Kim của Hội Đột quỵ thế giới, chứng nhận tiêu chuẩn cao về chăm sóc người bệnh đột quỵ.
Dù ngành y tế đã nỗ lực nâng cấp điều trị, nhưng theo các chuyên gia, thay đổi từ chính ý thức người trẻ mới là “chìa khóa” giảm nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Dung khuyến nghị: Người trẻ cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học: Ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia, thuốc lá, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là huyết áp, đường huyết, mỡ máu. Khi có triệu chứng như méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân, đau đầu đột ngột cần đến bệnh viện ngay.
Đột quỵ không loại trừ ai, đặc biệt khi cuộc sống hiện đại khiến giới trẻ đối mặt với áp lực, stress, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Thay vì chủ quan, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách sống khoa học, lắng nghe cơ thể và sẵn sàng tiếp cận y tế khi cần. Cùng với sự đồng hành của ngành y tế, đặc biệt là những nỗ lực từ các đơn vị điều trị đột quỵ chuyên sâu như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tỷ lệ tử vong và di chứng do đột quỵ, một bệnh lý tưởng như chỉ của người già, nhưng đang lặng lẽ tấn công cả người trẻ.
Ý kiến ()