Cần tỉnh táo trong đầu tư bất động sản
Sự sôi động của thị trường bất động sản (BĐS) khiến nhiều người muốn đầu tư, sẵn sàng hùn tiền thực hiện các giao dịch cá nhân hoặc thông qua những công ty BĐS. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện tin tưởng, mua bán là rất nhiều hệ lụy, rất có thể người mua đã rơi vào bẫy lừa mà không hề hay biết.
Trường hợp của chị N.T.P là một ví dụ điển hình. Đầu năm 2020, chị P được 1 người quen biết là Phạm Thu Hương (SN 1979, trú tại tổ 1, khu 5, phường Hà Lầm, TP Hạ Long) nói đang đặt cọc mua 3 ô đất tại Dự án đồi ngân hàng, diện tích 100m2/ô; giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng và đang có nhu cầu chuyển nhượng 1 ô. Do tin tưởng, nên trong thời gian từ tháng 7/2020 đến 10/2021, chị P và gia đình đã nhiều lần chuyển tiền cho Hương, tổng số là 983 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Hương không nộp tiền mua đất như hứa hẹn mà sử dụng chi tiêu cá nhân.
Từ đơn tố giác của chị P vào cuối tháng 12/2021 và quá trình điều tra của Cơ quan CSĐT Công an Quảng Ninh, Hương đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, do làm ăn thua lỗ, nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu mua đất. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, tháng 2/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thu Hương về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Khoản 4, Điều 174, Bộ Luật Hình sự.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án liên quan đến lừa đảo trong hoạt động mua bán BĐS thời gian qua. Không chỉ là giao dịch mang tính chất cá nhân, tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động kinh doanh nhà ở và BĐS vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.
Năm 2021, qua rà soát Công an tỉnh đã phát hiện một số sàn giao dịch và hơn 80 doanh nghiệp, cá nhân tại TP Hạ Long có hành vi kinh doanh dịch vụ BĐS không chấp hành quy định của pháp luật về việc đăng ký hoạt động; quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong các dự án chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường BĐS, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư thứ cấp cũng như người dân.
Vụ việc chuyển nhượng "chui" hàng loạt ô đất thuộc dự án Khu đô thị Lideco Bãi Muối do Công ty CP Xây dựng và BĐS Sealand Việt Nam thực hiện năm 2021 là một ví dụ. Theo thông tin ban đầu, Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ dự án của nhà đầu tư trình để ban hành thông báo đủ điều kiện đưa dự án vào kinh doanh BĐS theo quy định. Hiện tại, Công an tỉnh đang tiến hành điều tra và sẽ xử lý đúng theo quy định (nếu có sai phạm), theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã quy định rõ BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Trong thời gian tới, với việc mở cửa lại du lịch, dịch vụ, hình thành các quy hoạch phát triển trên địa bàn, nhu cầu và giá BĐS có thể tiếp tục tăng. Dự báo, các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình này và thông tin hiểu biết chưa đầy đủ của người dân để lừa đảo, đẩy giá, trục lợi.
Vì vậy, Công an tỉnh khuyến cáo người mua và kể cả các nhà đầu tư kinh doanh phải hết sức tỉnh táo, xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng các quy định của pháp luật và những thông tin liên quan đến dự án. Bên cạnh đó, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động huy động vốn, kinh doanh nhà ở, BĐS.
Ý kiến ()