Cần rút ra bài học sâu sắc
Tính đến 14 giờ ngày 22-11 đã có 11 người bị chết, 3 người mất tích và 55 người bị thương (Số người bị chết chủ yếu xảy ra trên sông biển); đắm 1 xà lan, 2 tàu du lịch, 1 tàu khách, 2 tàu đánh cá, 6 đò ngang, chưa kể nhiều tàu gỗ, thuyền nan của ngư dân bị chìm; 20 ha rau, hoa của các HTX, hộ nông dân bị giập nát, nhiều nhà dân bị tốc mái, vỡ cửa kính... Nặng nề nhất là hệ thống cẩu hàng của Cảng Cái Lân bị gãy đổ. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 160 tỷ đồng (riêng Cảng Cái Lân 130 tỷ đồng).
Ngay sau khi lốc xoáy, mưa đá xảy ra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có mặt tại nhiều địa điểm để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình có người gặp nạn. Đồng thời UBND tỉnh, thành phố Hạ Long đã quyết định hỗ trợ tiền, chi phí điều trị cấp cứu cho những gia đình có người thân bị tử nạn và bị thương.
Theo cơ quan Khí tượng thuỷ văn, đây là cơn lốc kèm mưa đá mạnh, gió giật có lúc đạt 60 m/s - tương đương cấp 17, đường kính hạt mưa đá từ 2 – 3 cm, hạt lớn 5 cm. Đặc biệt đây là hiện tượng thời tiết bất thường, trái quy luật.
Dù thế nào đi nữa thì với hậu quả do cơn lốc gây ra đã cho thấy người dân và một số cơ quan đơn vị có biểu hiện chủ quan trong việc phòng, chống thiên tai. Nếu người dân và các phương tiện thuỷ trang bị đầy đủ phao cứu sinh thì có lẽ số người thiệt mạng không đến mức nhiều như vậy. Việc lắp đặt các thiết bị máy móc ở khu vực có khả năng phải hứng chịu sức gió mạnh được tính toán kỹ, có phương án phòng tránh tốt thì có thể đã tránh được những thiệt hại nặng nề... Việc điều hành, tổ chức cứu nạn, cứu hộ được khẩn trương với các trang thiết bị hiện đại chắc sẽ giảm được thiệt hại...
Từ hậu quả nặng nề do lốc xoáy gây ra, các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương, các cơ quan đơn vị cần phân tích nguyên nhân, nghiêm khắc rút ra những bài học sâu sắc trong công tác phòng, chống thiên tai để chủ động đối phó trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù đúng quy luật hay trái quy luật...
Ý kiến ()