Cần hiểu đúng về "xã hội hóa"
Trong nguyên nghĩa, "xã hội hóa" là một thuật ngữ chuyên dùng của ngành xã hội học (socialization trong tiếng Anh, có nghĩa là sự xã hội hóa, có gốc từ social: xã hội, và sociology: xã hội học) nhằm chỉ quá trình con người trở thành con người xã hội khi được nuôi dưỡng trong những thiết chế xã hội, khởi đầu từ gia đình, một thiết chế xã hội đặc thù, và tiếp đó là các thiết chế xã hội khác. Khi thuật ngữ của một ngành khoa học chuyên biệt được sử dụng phổ biến vào đời sống, mà theo nghĩa của "Từ điển tiếng Việt phổ thông" của Viện Ngôn ngữ là "làm cho trở thành của chung của toàn xã hội" thì cần phải xác đinh thật rõ. Vì, ngay với định nghĩa nói trên cũng vẫn chưa nói được những biến thái của nó trong cách dùng tràn lan hiện nay.
Thực hiện chủ trương thành lập nhiều trường tư thục (mà có khi gọi là dân lập) và nhiều bệnh viện tư, phòng khám tư, kể cả một số trường tư thục "quốc tế", một số bệnh viện "quốc tế", đã tạo ra một nguồn lực mới đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu xã hội về học tập và chăm sóc sức khỏe. Chủ trương ấy xuất phát từ thực trạng của sự phân tầng xã hội, một bộ phận cư dân có thu nhập và mức sống cao, có nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cao hơn và có khả năng tự trang trải phí tốn cho các dịch vụ đó. Đó là một giải pháp thông mình và thiết thực nhằm thực hiện công bằng xã hội, là một khía cạnh đáng mừng của chủ trương khai thác hợp lý sức dân trong một số dịch vụ vốn là nghĩa vụ của nhà nước đối với dân. Bộ phận lớn cư dân không có khả năng nói trên sẽ tìm thấy quyền được học tập, được chăm sóc sức khỏe ở các trừơng công và bệnh viện công, nơi biểu tỏ một cách cụ thể nhất, sinh động nhất tính chất của dân, vì dân, do dân của Nhà nước.
Đúng là Nhà nước không thể ôm lấy mọi hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu dân sinh. Chính vì thế, việc xây dựng nhà nước pháp quyền phải đi liền với sự lớn mạnh của xã hội dân sự nhằm huy động được ở mức cao nhất năng lực xã hội, phát huy tốt nhất vốn xã hội từ dân. "Xã hội hóa" cần được hiểu một cách sâu xa, toàn diện như đã trình bày ở trên. Hơn nữa, nếu phân tích kỹ, có thể thấy rằng, cần phải tiến hành "xã hội hóa" đi liền vói tiến trình "dân chủ hóa"xã hội, bắt nguồn từ triết lý "sâu rễ bền gốc" của ông cha ta, được nâng lên với tư tưởng Hồ Chí Minh "quyền hành và lực lượng đều nơi dân". Đồng thời phải nhớ lời dặn của ông cha ta: muốn "sâu rễ bền gốc" thì phải biết "khoan thư sức dân".
"Xã hội hóa" nói chung đã thế, thì "xã hội hóa" trên các lĩnh vực giáo dục và y tế không phải là tăng đóng góp của dân qua học phí, viện phí mà là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ, để góp phẩn giảm bớt gánh nặng cho nhà nước vốn phải đảm nhiệm phần chi chủ yếu cho các dịch vụ này thông qua thuế. Vì thế, trong một số dịch vụ công, nhà nước không thể không nắm lấy vai trò chủ thể, ngân sách nhà nước phải dành cho nó, trong đó có giáo dục và y tế.
Trường công, bệnh viện công nhằm thỏa mãn nhu cầu cơ bản và tối thiểu của mọi người dân, thể hiện sự bình đẳng công dân và sự công bằng xã hội. Trước hết, đó là chỗ dựa cho người nghèo và cận nghèo không sao có điều kiện hưởng những dịch vụ tư về học tập và đào tạo, cũng như được chăm sóc khi ốm đau, tai nạn. Đây là một đòi hỏi tối thiểu của an sinh xã hội mà bất cứ một nhà nước của dân, do dân và vì dân nào cũng phải chăm lo, huống chi là một nhà nước định hướng XHCN của ta. Mà xét cho cùng, thì ngân sách Nhà nước cũng là do dân đóng góp từ thuế.
Đấy chính là lý do cần trao đổi kỹ hơn về khái niệm "xã hội hóa" và cách thực thi tiến trình "xã hội hóa" đi liền với "dân chủ hóa" trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền đi liền với phát huy sức mạnh của xã hội dân sự.
Ý kiến ()