
Cần chú trọng khai thác tài nguyên di sản văn hoá
Tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức công bố khai trương các hành trình du lịch vịnh Bái Tử Long kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, thu hút nhiều khách du lịch. Khác với vịnh Hạ Long đã được rất nhiều du khách trên thế giới biết đến, vịnh Bái Tử Long vẫn giữ được vẻ đẹp khá nguyên sơ ít chịu tác động của con người. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm kết hợp bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần phải kể đến tài nguyên du lịch văn hoá.
Nhiều ý kiến cho rằng, vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn (hay cả vịnh Hạ Long) được biết đến, ngợi ca “kỳ quan thế giới” sớm nhất là từ bài thơ Vân Đồn của Nguyễn Trãi (1380-1442): Đường đến Vân Đồn lắm núi sao/ Kỳ quan đất dựng giữa trời cao/ Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng. Muôn hộc xanh om tóc mượt màu… (Đào Duy Anh dịch). Trước đó, Bái Tử Long - Vân Đồn được nhắc nhiều trong lịch sử qua việc vua Lý Anh Tông cho thành lập trang Vân Đồn năm 1149 để “thuyền các nước ra vào buôn bán, dâng tiến sản vật địa phương”, mở ra thời kỳ phát triển của Thương cảng Vân Đồn cũng như thương mại của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18.

Nằm giữa khoảng thời gian ấy, vịnh Bái Tử Long có một lần là bãi chiến trường vào năm 1288, khi quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba lẫy lừng của dân tộc (1288). Tạp chí Xưa và Nay số 289 (tháng 8/2007) của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có đăng bài của tác giả Hồ Đắc Duy "Có một kho báu của quân Mông Cổ dưới đáy Vịnh Hạ Long", trong đó ông đặt ra những giả thuyết về có một kho báu của quân Mông Cổ dưới đáy vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long. Tác giả lập luận rằng đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị quân dân nhà Trần đánh cho tan tác năm 1288, ngoài lương thực ắt hẳn phải có vật dụng khác như đồ gốm, sứ hoặc hơn thế nữa. Do chưa có cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ nào được tiến hành dưới đáy biển nên đây vẫn là một bí mật trong lòng vịnh biển.
Một khác biệt cơ bản giữa vịnh Bái Tử Long với vịnh Hạ Long đó là vịnh Bái Tử Long số đảo đất là chủ yếu - khác với Hạ Long chủ yếu là đảo đá vôi. Cũng bởi thế, Bái Tử Long từng là nơi cư trú của người Việt cổ thời Văn hoá Hạ Long cách ngày nay khoảng 4.500 năm và sớm hơn thế nữa. Di tích nơi cư trú của người Việt cổ đã được phát hiện ở đảo Ngọc Vừng, hang Soi Nhụ, hang Hà Giắt, hang Đông Trong… Năm 1939, nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani (1866-1943) đã từng đặt tên cho giai đoạn văn hoá này là Văn hoá Danh Do La (tên của đảo Ngọc Vừng khi ấy) mà bây giờ chúng ta biết đến là Văn hoá Hạ Long.
Quá trình cư trú, chống giặc ngoại xâm qua hàng ngàn năm lịch sử đã để lại trên các đảo của vịnh Bái Tử Long một di sản văn hoá vô giá, đó là Thương cảng cổ Vân Đồn (di tích cấp quốc gia đặc biệt), cụm đình - chùa - nghè - miếu Quan Lạn, di tích khảo cổ hang Đông Trong; những dấu tích chùa, tháp gắn với Thương cảng cổ Vân Đồn trên đảo Cống Đông. Trên đảo Ngọc Vừng - nơi thời Nguyễn đặt thành Tĩnh Hải có di tích lưu niệm Bác Hồ, có trận địa pháo 12,7mm đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 trên bầu trời Quảng Ninh những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ… Ngoài ra, còn vô số những giá trị văn hoá phi vật thể được lưu giữ, bảo tồn trong đời sống nhân dân các đảo.
Từ khác biệt về địa lý, địa hình so với vịnh Hạ Long đã tạo cho vịnh Bái Tử Long những đặc trưng về tự nhiên khác biệt, điển hình là Vườn quốc gia Bái Tử Long với hàng ngàn loài sinh vật. Cùng với những di sản văn hoá thì đây là những tài nguyên du lịch vô giá để ngành du lịch khai thác, phát huy giá trị. Không chỉ khám phá thiên nhiên, sinh thái mà còn du lịch trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử.
Ý kiến ()