
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Thực hiện chủ trương của Đảng, tỉnh Quảng Ninh đã và đang làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với thế và lực được tích lũy được sau hơn 40 năm đổi mới và những cơ hội phát triển mới, đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên CNXH. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, để phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vào năm 2045, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đổi mới tư duy, tầm nhìn, phương pháp, phong cách công tác, hội tụ cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trên quan điểm đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh luôn được quan tâm đẩy mạnh, có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Đội ngũ cán bộ các cấp cơ bản được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết về công tác cán bộ, BTV Tỉnh ủy ban hành đồng bộ các quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định về tuyển dụng, quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ… Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, quy định, kết luận trên. Qua đó đã thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ, gắn với tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chủ trương của trung ương.
Việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực sự khoa học, dân chủ, đúng pháp luật và quy định của Đảng, bảo đảm “đúng người, đúng việc”, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, không để xảy ra tình trạng có đơn, thư, dư luận bức xúc trong công tác cán bộ. Hằng năm BTV Tỉnh ủy tổ chức ký cam kết trách nhiệm của BTV và bí thư các huyện, thị, thành uỷ; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với BTV Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trên tinh thần không cam kết các nội dung chung chung, mà định hướng, đặt hàng 3-4 đầu việc cụ thể, cấp bách nổi lên của đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị cần tập trung giải quyết. Các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức ký cam kết trách nhiệm tương tự như ở tỉnh, tạo ra hiệu ứng lan tỏa và đạt kết quả rõ nét.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đặc biệt được chú trọng. Tỉnh ban hành Chương trình số 28-CTr/TU (ngày 10/4/2023) về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2023-2025, nhằm lãnh đạo, chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án, quy chế về tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định của trung ương, theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hằng năm tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên cơ sở bám sát các quy định của trung ương, của tỉnh và nhu cầu của các cơ quan, đơn vị. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực hơn, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Trong quá trình học tập kết hợp với khảo sát thực tế, bổ sung kiến thức mới. Việc mời các giảng viên, báo cáo viên là giáo sư, tiến sĩ, giảng viên cao cấp thuộc các trường đại học, học viện uy tín và các đồng chí lãnh đạo tỉnh có bề dầy kiến thức, kinh nghiệm để trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học viên được thực hiện thường xuyên hơn. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh cử đi đào tạo, bồi dưỡng trên 100.000 lượt CBCCVC với gần 1.000 lớp. Trong đó có gần 6.000 lượt CBCCVC cấp tỉnh, 41.000 lượt cấp huyện, 47.000 lượt cấp xã. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng, CBCCVC bên cạnh được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, còn được tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, theo chức danh đảm nhiệm và quy hoạch; bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ một số lĩnh vực tỉnh cần...
Với sự quan tâm chăm lo và nhiều cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng, củng cố, đội ngũ cán bộ trong tỉnh ngày càng phát triển về nhiều mặt, có tính chuyên môn hóa cao hơn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng lên. Nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh, đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo PGS.TS Trần Khắc Việt, Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Theo dõi quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây, tôi thật sự ấn tượng với sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác cán bộ, đã có nhiều chuyển biến. Bằng những mô hình, cách làm đổi mới, đột phá đi đầu trong cả nước trong công tác tổ chức, cán bộ, toàn tỉnh đã xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, được đào tạo bài bản, có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt.
Ý kiến ()