
Cẩm Phả làm tốt hòa giải ở cơ sở
Trong thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được TP Cẩm Phả quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư pháp tại địa phương. Thực hiện có hiệu quả hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, phát huy dân chủ ở cơ sở, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đầu tháng 1/2024, tổ hòa giải khu phố Lê Lợi, phường Cẩm Tây, nhận được phản ánh của nhân dân về việc chưa đảm bảo trong vệ sinh môi trường chung của gia đình hàng xóm gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh khi có hành vi đổ nước thải chảy ra ngõ đi chung của 3 gia đình và việc thả chó rông không theo quy định. Ngay khi nhận được phản ánh, tổ hòa giải đã có mặt, tuyên truyền, phân tích, giải thích cho gia đình các bên trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường chung, đảm bảo an ninh trật tự trong khu phố. Sau buổi làm việc, hộ dân cam kết khắc phục tồn tại, không còn tái phạm.
Tháng 5/2024, tổ hòa giải khu phố Lê Hồng Phong, phường Cẩm Tây, hòa giải thành cho một vụ việc liên quan bức tường giáp ranh giữa hai gia đình. Theo nội dung vụ việc, phía sau nhà bà T có bức tường đã xây lâu đời để che chắn phần đất gia đình, nhà bà H đến sau muốn phá dỡ bức tường để xây sát vào nhà bà T, tuy nhiên không được đồng ý. Sau khi tiếp nhận phản ánh, tổ hòa giải khu phố đã vận dụng kiến thức pháp luật, kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Sau buổi hòa giải, cả 2 gia đình thống nhất giữ nguyên bức tường, bà H đồng ý xây lui lại trong phần đất đã mua.
Còn tại khu phố Phan Đình Phùng, nhiều năm qua, tổ hòa giải khu phố chưa phải tổ chức buổi làm việc chính thức nào để hòa giải mâu thuẫn trong khu dân cư, bởi khi có thông tin phản ánh, các thành viên trong tổ đã chủ động gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân, hóa giải ngay từ khi mới “manh nha”.
Ông Đặng Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Tây, cho biết: Từ năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn phường đã hòa giải thành 81/86 vụ việc. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, đoàn kết trong khu phố, nhân dân đồng thuận, ủng hộ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
TP Cẩm Phả hiện có 174 tổ hòa giải với 1.105 hòa giải viên. Chỉ tính trong năm 2024, các tổ hòa giải thực hiện hòa giải thành 122/133 vụ việc. Để đạt được kết quả hòa giải thành cao, trong quá trình hoà giải, các hoà giải viên không chỉ vận dụng các quy định pháp luật mà còn vận dụng phong tục tập quán, tình làng nghĩa xóm, chuẩn mực đạo đức để phân tích, hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thoả thuận và đi đến tự giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, góp phần tích cực trong việc giữ gìn đoàn kết, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cộng đồng dân cư. Để kịp thời giải quyết các tranh chấp hoà giải không thành, các tổ hoà giải đã kịp thời hướng dẫn các bên tranh chấp đề nghị Ban hoà giải cấp xã tiến hành hoà giải hoặc hướng dẫn các đương sự gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Còn lại một số ít vụ việc do các bên chưa thống nhất tự nguyện hoà giải với nhau nên các tổ hoà giải tiếp tục thuyết phục, vận động các bên đạt được thoả thuận.
Trong thời gian qua, để triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở hiệu quả, thực chất, hằng năm UBND thành phố đều ban hành các kế hoạch; thường xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố xây dựng chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; chỉ đạo các phường, xã triển khai đến các thôn, khu phố trên địa bàn. Thành phố thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn đội ngũ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở, tổ hòa giải, hòa giải viên; tổ chức hội nghị tập huấn; xây dựng và phát hành tài liệu về hòa giải cơ sở nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên và triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở được thống nhất, hiệu quả.
Ủy ban MTTQ đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về hòa giải ở cơ sở; vận động người uy tín, người có trình độ pháp lý, kiến thức xã hội... tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các đoàn thể khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, hội viên làm hòa giải viên hoặc trực tiếp tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương. Đồng thời lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó đội ngũ hòa giải viên được mở rộng, thu hút nhiều thành phần, lực lượng tham gia; số lượng, dân tộc, giới tính và chất lượng của đội ngũ hòa giải viên từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một trong những tiêu chí đánh giá thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Với tinh thần tự nguyện, tích cực, chủ động, vì cái chung, các tổ hòa giải thực hiện tốt công tác hòa giải trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Ý kiến ()