Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng đời sống, hạnh phúc nhân dân
Tiếp tục chương trình làm việc với các địa phương, sáng 12/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Liêu và Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Chẽ về kết quả công tác năm 2023, tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo Nghị quyết số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Liêu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho huyện tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, xây dựng Bình Liêu ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Huyện đã hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn, đô thị đổi thay rõ rệt, được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại; môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Trong năm, Bình Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu của chương trình. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đến hết năm 2022, huyện cơ bản không còn hộ nghèo theo bộ tiêu chí của quốc gia và tập trung thực hiện công tác giảm nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 70,52 triệu đồng (trong đó, khu vực nông thôn là 65,2 triệu đồng). Tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch, tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...
Sau hơn 12 năm bền bỉ triển khai chương trình xây dựng NTM, năm 2023, Ba Chẽ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn chương trình xây dựng NTM năm 2022 (về đích sớm 3 năm so với kế hoạch). Năm 2023, Đảng bộ huyện Ba Chẽ đã nỗ lực đoàn kết hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Nổi bật như: Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 19,2% so với cùng kỳ (cao hơn 0,7 điểm% so với mục tiêu bình quân cả năm), thu ngân sách nội địa đạt 70,093 tỷ đồng, trong đó thuế, phí đạt 49,8 tỷ đồng, vượt 6,5% dự toán. Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,2 triệu đồng. Toàn huyện đã trồng được 363,7 ha rừng gỗ lớn; 80 ha dược liệu, tăng 34% cùng kỳ. Toàn huyện không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,69%; xóa toàn bộ nhà tạm, nhà ở dột nát. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%. Ba Chẽ đã hoàn thành việc lập Quy hoạch vùng huyện; Quy hoạch chung các xã và thị trấn xong trước 31/3/2023; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050…
Tuy nhiên, ở hai địa phương vẫn còn những vướng mắc trong vấn đề giao đất giao rừng; một số chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là ở cấp thôn còn chưa thực sự vững chắc; sức sản xuất của người dân vẫn chưa mạnh; một bộ phận cán bộ, người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ vui mừng trước những kết quả, thành tích, sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc hai địa phương Bình Liêu và Ba Chẽ trong một hành trình dài đã không ngừng nghỉ, kiên trì mục tiêu tất cả vì hạnh phúc nhân dân, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; hoàn thành thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý, đó là: Phải thực sự đặt người dân vào vị trí trung tâm, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, từng bước xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti, mặc cảm; củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng gắn với việc thường xuyên quan tâm củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu quả khâu tổ chức thực hiện; giữ vững sự ổn định, đoàn kết, an ninh, an toàn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, bài bản, khoa học của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và quan tâm đặc biệt của các sở, ngành; tỉnh đã xác định đúng khâu đột phá là tập trung tạo ra bước chuyển căn bản về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, ưu tiên hạ tầng giao thông, giáo dục đào tạo, y tế, nước sạch, viễn thông, điện, chợ…; tìm được một số mô hình sản xuất theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ, du lịch.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của cả hai địa phương trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Phải thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc của người dân. Cùng với đó, phát huy đúng mức vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo mục tiêu phát triển bền vững theo 4 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh. Đến năm 2025, người dân có mức thu nhập bình quân đầu người 100 triệu đồng/người/một năm; phấn đấu không còn hộ nghèo theo quy định chuẩn nghèo áp dụng trên địa bàn tỉnh; giữ vững địa bàn an ninh, an toàn, không có ma túy, không tệ nạn xã hội.
Đồng chí đã chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể đối với xây dựng Nông dân văn minh chính là văn minh trong sản xuất kinh tế, quản trị xã hội, tổ chức đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng; hình thành thế hệ nhà nông mới với nếp sống văn hóa theo Nghị quyết 17 của BCH Đảng bộ tỉnh. Về phát triển nông nghiệp sinh thái là phát triển theo chuỗi đa giá trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn truyền thống văn hóa, duy trì và phát triển các di sản văn hóa gắn với nông nghiệp, nông thôn để phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Đối với nông thôn hiện đại, phải gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, đảm bảo gắn kết hài hòa giữ nông thôn và đô thị, công nghiệp dịch vụ với nông nghiệp.
Hai địa phương tiếp tục quan tâm quản lý sử dụng thật tốt nguồn vốn ngân sách, huy động các nguồn lực khác để phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội hiện đại, trong đó có giao thông, logistics, hạ tầng số, điện sinh hoạt, giáo dục, y tế, nước sạch, thông tin, văn hóa thể thao; quan tâm tổ chức sản xuất hiện đại, cốt lõi là chuyển từ nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào các hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng thông thường sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dựa trên liên kết đa chủ thể, lấy nhà nông chuyên nghiệp làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu, hướng tới đa giá trị và được đảm bảo bằng các giá trị sinh thái nhân văn; ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp vào kinh tế nông thôn, quản trị xã hội nông thôn; phải xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn thực sự đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và gắn với chuyển đổi số; đổi mới tổ chức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phù hợp với xã hội hiện đại ở nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên khu vực nông thôn thực sự vững mạnh, tiêu biểu về mọi mặt, đi tiên phong về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Về mặt xã hội, phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động từ thuần nông sang đan xen nông nghiệp và phi nông nghiệp, gia tăng tỷ trọng lao động sang làm việc ở khu vực công nghiệp và dịch vụ; giữ gìn không gian văn hóa, mang đậm bản sắc vùng nông thôn truyền thống; quan tâm mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, chất lượng phúc lợi xã hội, xây dựng xã hội nông thôn đoàn kết đồng thuận, hài hòa, trật tự, an ninh an toàn và văn minh, người dân được hưởng ấm no, bình yên, hạnh phúc. Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại trong bảo tồn, phát huy các giá trị vă hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc 2 địa phương, nhất là phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Cùng với đó, Ba Chẽ và Bình Liêu phải đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tập trung phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển văn hóa con người giàu bản sắc gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động; quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Năm nay, phải hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho các chủ thể, hoàn thành đo điều tra, số hóa, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định ranh giới các loại rừng trên thực địa và ranh giới của từng chủ rừng; giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm rừng trái pháp luật, sử dụng rừng sai mục đích; chủ động phòng chống cháy rừng theo phương châm 3 trước, 4 tại chỗ; tăng cường quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp đất rừng đúng mục đích, đúng mục tiêu theo hướng hiệu quả, bền vững và chống tiêu cực; tập trung quan tâm phát triển các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với triển khai hiệu quả cấp chứng chỉ rừng, tín chỉ Carbon.
Đối với Ba Chẽ, huyện cần tập trung xây dựng thành trung tâm lâm nghiệp dược liệu của tỉnh, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, gắn giữa sản xuất và chế biến lâm sản. Đối với Bình Liêu, huyện cần quan tâm phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững và thúc đẩy toàn diện du lịch, dịch vụ, thương mại biên giới, gắn với khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô, đón cơ hội mở cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô – Động Trung để thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế biên mậu.
Ý kiến ()