
"Bố ơi con chơi gì ạ?"
Cuối tuần qua, mấy người bạn thân thời cấp 3 chúng tôi có dịp gặp mặt. Trong câu chuyện về gia đình, anh bạn tôi kể việc cấm cậu con năm nay học lớp 3 chơi điện thoại thông minh và máy tính bảng trong dịp hè. Câu chuyện nghe vừa hài lại vừa bi.
Anh chia sẻ: “Dịp hè, các con được nghỉ mấy tháng. Vẫn biết là sau 2 kỳ học căng thẳng, hè về cho con chơi thoải mái để “xả stress”, nhưng thú thực cũng chẳng biết cho chúng chơi gì. Vậy là loanh quanh vẫn là quẳng cho con chiếc điện thoại, máy tính bảng để con “giải trí”. Trong khi công việc hằng ngày bận bịu nên cũng chẳng có thời gian để quản lý xem chúng chơi gì, xem gì trên các thiết bị điện tử đó, có lợi hay có hại nữa? Chỉ biết là suốt ngày chúng cắm đầu vào điện thoại, máy tính bảng, tivi, trừ những lúc sinh hoạt trong gia đình”.
Sau một thời gian, sợ con “nghiện” điện thoại, máy tính bảng nên bạn tôi đã quyết định cấm không cho con sử dụng điện thoại nữa. Anh bạn tôi tiếp lời: “Ngay sau “lệnh cấm”, cậu con với vẻ mặt phụng phịu ra hỏi bố: “Bố ơi con chơi gì ạ?”. Câu hỏi thực sự khiến vợ chồng tôi giật mình, bởi từ trước đến giờ ngoài điện thoại, máy tính bảng thì đúng thật không biết cho con chơi gì. Cầu lông, bóng đá… thì không có sân chơi, bơi lội thì không phải nơi nào cũng có… Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao của phường, xã, đoàn thể thì số trẻ em được tham gia sinh hoạt cũng chỉ có hạn”.
Thú thực là sau khi cấm con mình chơi điện thoại, anh bạn tôi cũng đã liên hệ với một số lớp học hè của phường để xin cho con theo học, thế nhưng câu trả lời đều là lớp tuyển sinh số lượng có hạn, hiện lớp đã vào học nên không thể bổ sung thêm học sinh.
Có lẽ câu chuyện của anh bạn tôi cũng là nỗi tâm tư, băn khoăn của không ít phụ huynh. Hè về, không biết cho con học gì, chơi gì. Nhiều gia đình mua sắm đủ các thiết bị thể thao như: Vợt cầu lông, bóng bàn, bóng đá… để động viên con chơi thể thao, thế nhưng thực tế để tìm được sân chơi không hề đơn giản, bởi không phải khu nào, tổ nào cũng có không gian cho các hoạt động này, còn chơi trên vỉa hè, lòng đường thì rất nguy hiểm cho trẻ em. Nhiều gia đình “cực chẳng đã” đành nhốt con trong nhà, dù biết rằng trong chính ngôi nhà của mình trẻ cũng có thể gặp không ít nguy hiểm.
![]() |
Thiếu sân chơi an toàn là một trong những nguyên nhân khiến số trẻ em bị tai nạn thương tích ở Việt Nam luôn ở mức cao. |
Chẳng thế mà, tìm sân vui chơi an toàn cho trẻ luôn là đề tài “nóng” muôn thủa mỗi dịp hè về. Thiếu sân chơi là một trong những nguyên nhân khiến số trẻ em bị tai nạn thương tích ở Việt Nam luôn ở mức cao. Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) năm 2017 thì mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp mỗi năm chiếm 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do các nguyên nhân.
Có lẽ số trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích nhiều nhất là đuối nước. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có trên 2.000 trẻ em thiệt mạng do đuối nước. Con số này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.
Xin đưa ra những con số trên để cho thấy việc tạo sân chơi cho trẻ, đặc biệt là dịp hè là vô cùng cần thiết. Thế nhưng, việc thực hiện công việc này tại các phường, xã, đoàn thể - nơi tiếp nhận các em về sinh hoạt mỗi dịp hè, vẫn còn mang nặng tính hình thức và số lượng trẻ em được tham gia các hoạt động không nhiều. Nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo thì việc tự tạo “sân chơi” cho mình vẫn là chủ yếu. Còn cho trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi dịch vụ thì không phải gia đình nào cũng có đủ kinh phí và địa điểm cũng hạn chế.
Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018 lấy chủ đề là "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số". Đây cũng chính là nội dung được các bậc phụ huynh quan tâm, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Chính vì vậy, để trẻ em phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực thì việc tạo sân chơi an toàn, bổ ích, miễn phí và thường xuyên cho trẻ là việc cần làm ngay.
Thái Bình
Ý kiến ()