Bình đẳng giới - nỗ lực và thành quả
Bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, xã hội địa phương, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội với việc thực Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia và các Chương trình mục tiêu, Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 60% trở lên các sở, ban, ngành, UBND và HĐND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 80% trở lên các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội có lãnh đạo quản lý là nữ; tỷ lệ lao động nữ làm công việc hưởng lương đạt 50%; tỷ lệ nữ thạc sỹ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ từ năm 2025 đạt từ 50% trở lên…
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo từ các cấp ủy đến chính quyền địa phương về bình đẳng giới thường xuyên, liên tục. Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện về bình đẳng giới; chỉ đạo rà soát hằng năm và giai đoạn về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, công tác quy hoạch, dự nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả rà soát, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ, thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm; đối với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Cũng theo số liệu của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp vượt mục tiêu đề ra và cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cùng cấp của quốc gia. Cụ thể, nữ đại biểu HDND cấp tỉnh là 27 người, đạt tỷ lệ 40,9% (cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh của quốc gia 11,91%); cấp huyện là 143 người đạt tỷ lệ 34,05% (cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện của quốc gia 4,97%); cấp xã là 1359 người đạt tỷ lệ 36,36% (cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã của quốc gia 7,41%).
Để đạt được tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý, thời gian qua công tác giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ cũng được chú trọng, với việc thường xuyên cử cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Tỷ lệ nữ có trình độ thạc sỹ tăng nhanh, tính đến hết năm 2020, tổng số cán bộ có trình độ thạc sỹ là 2.817 người, trong đó nữ là 2.227 người, bằng 83,7% (vượt 33,7%) và nữ có trình độ tiến sỹ là 24/70 người đạt 34,28% (vượt 9,28% so với chỉ tiêu của Trung ương và của tỉnh). Giai đoạn 2016 - 2020, nữ cán bộ công chức, viên chức được đào tạo trình độ cao cấp, trung cấp lý luận chính trị là 1.680 lượt người, tăng 565 lượt người so với giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo trình độ cao cấp, trung cấp lý luận chính trị hằng năm đạt từ 45% đến 54%...
Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong thời gian tới, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chắc chắn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ý kiến ()