
Biến thể mới Covid-19 xuất hiện tại Pháp và một số nước châu Âu
Một biến thể phụ mới của Omicron, được đặt tên là NB.1.8.1, đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và giới chức y tế châu Âu sau khi được phát hiện tại Pháp và một số quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trấn an rằng rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu hiện vẫn ở mức thấp.
Biến thể NB.1.8.1 là một nhánh con của dòng Omicron, vốn được ghi nhận bởi đặc tính dễ lây lan. Biến thể mới này được báo cáo là bắt nguồn từ châu Á. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc bệnh tăng đột biến tại Singapore, Trung Quốc...
Không chỉ ở châu Á, biến thể này cũng đã được ghi nhận tại Hoa Kỳ và châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), NB.1.8.1 đã xuất hiện ở một số quốc gia trong khu vực kể từ tháng 4/2025 ở các nước gồm: Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ireland.
Trang điện tử của kênh truyền hình Pháp BFMTV trích dẫn ý kiến của chuyên gia nghiên cứu virus tại Hệ thống Bệnh viện Đại học Lyon, Giáo sư Bruno Lina: Bốn trường hợp nhiễm biến thể NB.1.8.1 tại Pháp được tìm thấy cả trong bệnh viện và ngoài xã hội. Tuy nhiên, vào thời điểm báo cáo, các trường hợp phát hiện này vẫn còn hiếm và biến thể chưa thực sự phát tán rộng rãi tại Pháp.
Theo trang tin tức Actu.fr, Giáo sư Antoine Flahault, nhà dịch tễ học kiêm Giám đốc Viện y tế toàn cầu của Đại học Genève, cho biết: Tại Pháp, các dữ liệu gần đây cho thấy có một sự gia tăng nhẹ trong lưu hành của virus Covid-19, nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Theo báo cáo dịch tễ mới nhất công bố giữa tháng 4 vừa qua, trong năm 2024-2025, các chỉ số giám sát Covid-19 trên toàn nước Pháp tăng vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, đạt đỉnh vào tháng 7 và cuối tháng 9. Sau đó, từ đầu tháng 10 ghi nhận xu hướng giảm, xuống mức thấp từ cuối tháng 10 và duy trì tình hình suốt mùa đông.
Actu.fr chia sẻ thêm thông tin từ Cơ quan Y tế cộng đồng Pháp: Kể từ tháng 1/2025, tỷ lệ bệnh nhân đến các khoa cấp cứu trên toàn nước Pháp ở mức “rất thấp”.
Tổ chức Y tế thế giới đã đưa biến thể NB.1.8.1 vào danh mục “đang được giám sát” từ ngày 23/5/2025. Đây là một danh mục được tạo ra từ năm 2020 khi Covid-19 xuất hiện, dành cho các biến thể “có nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu”.
Tuy nhiên, việc phân loại này dựa theo tiêu chí mức độ nguy hiểm của biến thể, chỉ phản ánh quá trình thay đổi di truyền của biến thể liên quan đến các đặc tính của nó. Có những tín hiệu cho thấy nó có thể thay thế các biến thể khác đang lưu hành, nhưng tác động lâm sàng của nó vẫn chưa chắc chắn.
Cả Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đều chưa phân loại NB.1.8.1 vào danh mục “biến thể đáng lo ngại”.
Theo bài viết xuất bản ngày 26/5 trên báo Paris Match, biến thể NB.1.8.1 được một số chuyên gia đánh giá là “hung hãn”. Về mặt virus học, NB.1.8.1 có sự khác biệt. Thông qua những dữ liệu thu thập được ở Trung Quốc cho thấy biến thể mới này có thể “né tránh” hệ miễn dịch của con người. Khả năng phòng vệ được phát triển sau khi tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh trước đó có thể không còn hoàn toàn hiệu quả đối với NB.1.8.1.
Theo một bài viết trên báo Le Télégramme ngày 25/5, biến thể này dường như thực sự dễ lây lan hơn. Bác sĩ Benjamin Davido, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Raymond-Poincaré ở Garches thuộc tỉnh Hauts-de-Seine (Pháp), giải thích trên kênh LCI rằng: Những kết quả ban đầu cho thấy có lẽ nó dễ xâm nhập vào tế bào hơn.
Ông Benjamin Davido nhận định rằng “nguy cơ bùng phát dịch trở lại với số ca nhập viện gia tăng”, tuy nhiên “có thể không xuất hiện nguy cơ cao đối với việc mắc các thể bệnh nặng”.
Biến thể NB.1.8.1 ảnh hưởng đến đường hô hấp, đôi khi là phế quản và phổi. Các dấu hiệu chung kèm theo là sốt, mệt mỏi, đau họng, đau cơ, đau đầu, và đôi khi có dấu hiệu tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa.
Theo trang thông tin LeJDD.fr, Tổ chức Y tế thế giới đã lên tiếng trấn an, cho rằng nguy cơ mà biến thể mới này gây ra được đánh giá là thấp ở quy mô toàn cầu. Bài viết trên trang L’Express cũng trích dẫn nhận định của Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề này: Các loại vaccine đang lưu hành vẫn hiệu quả trong việc ngăn ngừa các thể bệnh có triệu chứng và nặng.
Tại Pháp, nơi các chỉ số dịch tễ vẫn ở mức thấp, chiến dịch tiêm chủng vẫn đang được triển khai đến ngày 15/6, với khả năng gia hạn đến ngày 15/7 tùy theo diễn biến tình hình.
Ý kiến ()