
Chiêm bái Xá lợi Đức Phật: Thiêng liêng, trang nghiêm, thành kính
Từ ngày 25 đến 28/5/2025, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Quốc bảo thiêng liêng của Ấn Độ được tôn trí tại cung Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí). Hơn 1 triệu người dân, phật tử và du khách đã thành tâm đến chiêm bái, hướng về những điều tốt đẹp trong không khí thiêng liêng, trang nghiêm, cầu nguyện quốc thái dân an. Qua đó, lan tỏa thương hiệu, khẳng định Quảng Ninh là điểm đến hàng đầu cho các sự kiện văn hóa, tâm linh, hướng đến trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế.
Trang trọng, linh thiêng, thành kính
Yên Tử từ lâu đã được coi là cội nguồn tâm linh của bao thế hệ dân tộc Việt Nam, nơi được xem là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền Phật giáo đầu tiên mang bản sắc Việt Nam do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII. Cũng chính tại Yên Tử, Huệ Quang Kim Tháp, nơi lưu giữ xá lợi Phật hoàng, lặng lẽ đứng suốt bảy thế kỷ như một minh chứng bất diệt cho lý tưởng tu hành và giác ngộ. Nhiều tư liệu cổ, như Lịch triều hiến chương loại chí hay lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Trương, đều xác tín về sự hiện diện lâu dài của xá lợi Phật hoàng tại đây, nơi đất trời và con người cùng gìn giữ ngọn đèn thiền bất diệt. Điều đó càng trở nên ý nghĩa khi Yên Tử trở thành địa điểm được cung nghinh và tôn trí xá lợi Đức Phật, từ đó khơi dậy niềm cảm hứng tâm linh sâu sắc, gắn kết hai dòng Phật giáo Việt Nam và thế giới.
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, hình ảnh Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam lại hội tụ sống động đến thế. Một bên là Đức Phật Thích Ca, người từ bỏ ngai vàng để khai mở con đường giác ngộ cho chúng sinh. Một bên là Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị minh quân Đại Việt, sau khi đem lại thái bình cho đất nước đã xuất gia, trở thành Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm với triết lý “Cư trần lạc đạo”.
Lần gặp gỡ thiêng liêng ấy diễn ra tại Yên Tử, nơi được xem là đỉnh linh quang của Phật giáo Việt, trong hành trình cung rước xá lợi Phật Tổ đến 9 danh lam Phật tích khắp ba miền đất nước. Đây không chỉ là nghi lễ tâm linh sâu sắc mà còn khẳng định bản sắc độc lập và tinh thần nhập thế đặc trưng của Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy Phật giáo toàn cầu.
Lễ cung nghinh, an vị được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức với nghi lễ trang trọng, linh thiêng bậc nhất từ trước đến nay. Sau lễ cung nghinh, an vị, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tổ chức cho tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương vào chiêm bái trong sự hoan hỉ. Toàn thể đại chúng đồng lòng thành kính hướng về kim thân xá lợi Đức Phật cầu nguyện quốc thái dân an, hoà bình cho thế giới.
Trong suốt 3 ngày, dòng người nối dài từ sáng sớm đến tận đêm muộn không quản đường sá xa xôi, kiên nhẫn xếp hàng một lòng hướng về Đức Phật với niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của lòng từ bi, bác ái. Đây không chỉ là dịp thể hiện lòng thành kính đối với Đức Thế Tôn mà còn là cơ hội để mỗi người thực hành lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi, trí tuệ về các giá trị đạo đức, luân lý, về chánh niệm nhằm xây dựng một thế giới an lạc.

Sau lễ chiêm bái, tối ngày 27/5 đã diễn ra lễ dâng hoa đăng và cầu nguyện quốc thái dân an. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, nhân dân, phật tử đã cùng thắp sáng hơn 5.000 bông hoa đăng cung kính dâng Phật ngay trong Cung Trúc Lâm, đã tạo không khí ấm cúng và bình an. Đặc biệt, chương trình ghép chữ "Quốc Thái Dân An" thắp sáng bằng 1.000 ngọn nến giữa khoảng sân rộng của Cung Trúc Lâm và màn bắn pháo bông tầm thấp ấn tượng, đã đem lại nhiều trải nghiệm đến với nhân dân, du khách cùng đông đảo phật tử.
Cụ Trần Thị Nguyệt, 92 tuổi (TP Cẩm Phả) hoan hỉ khi hoàn thành tâm nguyện được chiêm bái xá lợi: Khi biết tin xá lợi Đức Phật sẽ được tôn trí tại Yên Tử, tôi cùng gia đình đã ngay lập tức sắp xếp công việc đến đây để chiêm bái. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng được đến đây tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Đặc biệt, công tác tổ chức rất tốt, không hề tắc nghẽn giao thông, mọi người chiêm bái rất văn minh, lịch sự. Ngoài ra, đội ngũ tình nguyện viên và lực lượng chức năng cũng hỗ trợ nhiệt tình để người dân chúng tôi chiêm bái một cách thuận lợi và thành tâm.
Nối tiếp hành trình tôn trí linh thiêng tại Việt Nam, lễ tạ cung tiễn xá lợi Đức Phật để rước về Chùa Chuông, tỉnh Hưng Yên đã được thực hiện bảo đảm tuyệt đối an toàn, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần trách nhiệm cao, góp phần tạo nên thành công toàn diện cho sự kiện mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc này.
Cùng với một số tỉnh, thành, tỉnh Quảng Ninh vinh dự là địa phương được cung rước xá lợi Phật Thích Ca - Quốc bảo Ấn Độ. Đây là sự kiện quan trọng và hiếm có vì theo quy định của Ấn Độ, mỗi quốc gia chỉ được một lần duy nhất cung rước, tôn trí xá lợi Đức Phật. Đây cũng là lần đầu tiên xá lợi Đức Phật được tôn trí tại Quảng Ninh để người dân và phật tử chiêm bái.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Không chỉ là một sự kiện tôn giáo, việc chiêm bái xá lợi Đức Phật tại Yên Tử đang thực sự trở thành một hành trình tâm linh chạm đến trái tim hàng vạn người, khơi dậy lòng thành kính, niềm an lạc và ước nguyện thiêng liêng trong mỗi bước chân hành hương. Việc chiêm bái tháp xá lợi mang lại công đức lớn bởi tâm thành kính, sự hoan hỷ và chánh niệm của chính người hành lễ. Đây cũng là dịp để nuôi dưỡng đức tin, lòng từ bi, trí tuệ, nhắc nhở mỗi người cần sống có trách nhiệm, đạo đức, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, thiện lành.
Tạo sức lan toả lớn
Sự kiện đã trở thành hoạt động tôn giáo lớn nhất tại khu danh thắng, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá đến nhân dân, du khách về một Yên Tử linh thiêng, bình yên, một địa chỉ văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn với hàng chục ngôi chùa và hàng trăm tháp, am nằm rải rác trong một không gian rộng lớn của núi rừng hùng vĩ. Một di sản văn hóa ngoạn mục và độc đáo của thế giới đang được trình UNESCO công nhận.
Xác định đây là sự kiện quan trọng, có sức lan tỏa lớn, do vậy, công tác chuẩn bị cho lễ cung rước, chiêm bái xá lợi Đức Phật tại Cung Trúc Lâm Yên Tử đã được tỉnh thực hiện trang trọng, nghiêm túc, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, phục vụ tăng ni, phật tử, người dân và đông đảo du khách tới chiêm bái. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh Quảng Ninh thân thiện, mến khách, chuyên nghiệp.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng lực lượng xây dựng chi tiết phương án về cơ sở vật chất, phương tiện, lực lượng và các công việc cụ thể. Trong đó, đặc biệt quan tâm phương án đảm bảo ANTT; phân luồng giao thông, bổ sung các phương án điều tiết giao thông, bố trí các điểm, chốt và các phương án phòng chống cháy nổ. Đồng thời, lên phương án chi tiết về bố trí lực lượng và tình nguyện viên tại các điểm; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cũng như các phương án trực cấp cứu, cung cấp điện và thông tin liên lạc được đảm bảo thông suốt.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh để triển khai kế hoạch, gần 10.000 tình nguyện viên, lực lượng chức năng đã được huy động để hướng dẫn, hỗ trợ người dân và phật tử đến chiêm bái.
Thượng tọa Bhante Pelwatte Seewalee Thero, Tổng Thư ký Hội Maha Bodhi (Đơn vị bảo quản xá lợi Đức Phật) đánh giá: Công tác tổ chức tại Yên Tử được thực hiện vô cùng bài bản và chuyên nghiệp. Mọi nghi lễ tiến hành trang nghiêm. Với sự thiêng liêng và thành kính đối với việc chiêm bái xá lợi Đức Phật, người dân đến đây rất hoan hỉ, xếp hàng ngay ngắn, thành tâm. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, đội tình nguyện đã hết sức hỗ trợ người dân, đảm bảo an toàn và cung cấp đồ ăn nước uống cho người dân. Chúng tôi đánh giá cao và thực sự trân trọng công tác tổ chức của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và chính quyền địa phương để việc chiêm bái xá lợi thực sự là một hành trình mỗi người cảm nhận lòng tin, tĩnh tâm tìm đến giá trị cốt lõi trong đạo Phật.

Đến thời điểm này, sự kiện cung nghinh và tôn trí xá lợi Đức Phật được đánh giá vô cùng thành công, trang nghiêm, thu hút đông người dân, phật tử và du khách đến chiêm bái. Qua đó, khẳng định Yên Tử chính là trung tâm Phật giáo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong văn hóa tâm linh gắn với văn hóa, lịch sử truyền thống của đân tộc. Đồng thời, một lần nữa định vị Quảng Ninh là điểm đến của các sự kiện quốc tế. Với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại khi có tuyến cao tốc chạy dọc tỉnh, đường hàng không, cảng biển thuận lợi, cùng điểm đến đa dạng trải nghiệm từ biển đảo, văn hoá, tâm linh, nghỉ dưỡng đến vùng cao, biên giới…, hệ thống nhà hàng, khách sạn 4-5 sao cao cấp, phong phú, Quảng Ninh luôn sẵn sàng là điểm đến của những sự kiện, hoạt động lớn trong nước cũng như quốc tế. Và thực tế là Quảng Ninh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Với những lợi thế cùng các giải pháp cụ thể tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại sẵn sàng đăng cai tổ chức và đón tiếp các hội thảo, sự kiện trong và ngoài nước. Cùng với đó, Quảng Ninh đã ban hành các chính sách ưu đãi, chi phí hợp lý, đăng kí tổ chức các hội thảo; tăng cường liên kết tham gia đăng cai tổ chức như xây dựng chương trình tổ chức chuyên nghiệp có kèm du lịch tham quan thắng cảnh, tận dụng lợi thế nhiều cảnh quan thiên nhiên, tăng nguồn thu cho ngành du lịch.

Quảng Ninh đang nỗ lực hướng đến trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghiệp văn hóa với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao... Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 24 chương trình, sự kiện quy mô quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh và gần 150 chương trình, sự kiện cấp địa phương nhằm thu hút du khách. Từ đó, quyết tâm thực hiện mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 4,5 triệu lượt, doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 55.000 tỷ đồng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh.
Ý kiến ()