Biến báo quen rồi!
Không chỉ tiền hỗ trợ Tết của Chính phủ cho người nghèo mới có “cách làm” này, mà biết bao các khoản thu chi ở cơ sở hiện nay cũng “biến báo” như vậy. Ví dụ như có một khoản phí bất thành văn, nếu đưa lương hưu, thu tiền điện, tiền nước, tiền truyền hình cáp... tận nhà thì phải chi từ 2 ngàn đồng trở lên. Đây là một “khoản phí” đáng ra không nên có đối với các dịch vụ này, song nó cũng không đến mức để người dân đồng loạt bức xúc, cũng có người cho thế là phù hợp. Không loại trừ các “khoản phí” này do trực tiếp những nhân viên thu phí tự đề ra. Có trường học quy định tiền quỹ lớp chỉ được thu tối đa là 50 ngàn đồng/học sinh, nhưng đến các lớp thì biến báo đi, ghi 50 ngàn đồng, nhưng thực nộp là 100 ngàn đồng. Tất cả phụ huynh học sinh lớp đó đều đồng tình. Chi phí cho hội nghị thì sự biến báo đã trở nên phong phú. Họp một ngày với 100 đại biểu thì được duyệt chi là họp 3 ngày với 200 đại biểu. Nếu không biến báo như thế thì không đủ kinh phí chi phí cái khoản không được phép chi, đó là quà cho đại biểu. Chi phí tiếp khách cũng phải biến báo như thế.
Nguyên nhân các vi phạm trong việc chi tiền của Chính phủ hỗ trợ người nghèo ăn Tết là từ cái “văn hoá biến báo” đang tồn tại ở cơ sở. Có nơi, có người còn biện hộ cho việc làm sai này là “vận dụng vào thực tế”, còn bản chất thì “văn hoá biến báo” chính là nói dối, làm sai. Và “văn hoá biến báo” là “môi trường” thuận lợi nảy sinh lãng phí, tham nhũng.
Để loại bỏ cái “văn hoá biến báo”, chúng ta cần công khai hoá các chế độ chính sách, thực hiện nghiêm các quy định về tài chính, tăng cường các biện pháp quản lý tài chính. Đồng thời tăng cường sự giám sát của nhân dân trong thu chi ngân sách.
Ý kiến ()