Bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên than
Nếu trước đây Quảng Ninh chỉ có công nghiệp khai thác than, thì trong những năm gần đây Quảng Ninh được biết đến là một tỉnh phát triển năng động với các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tuy công nghiệp khai thác than không còn là ngành công nghiệp độc tôn nhưng vẫn là “hình ảnh” truyền thống của công nghiệp Quảng Ninh. Việc khai thác than ngày nay phải chịu sự chi phối của quy hoạch phát triển chung của Quảng Ninh.
Việc tăng sản lượng khai thác là cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Năm 2001 ngành Than khai thác 14,6 triệu tấn, năm 2005 đã tăng lượng than khai thác lên 34,9 triệu tấn. Theo dự kiến của ngành Than, sản lượng than sạch khai thác vào năm 2010 được xác định đạt từ 40 – 45 triệu tấn, 48 – 51 triệu tấn vào năm 2015, 55 – 58 triệu tấn vào năm 2020, 58 – 61 triệu tấn vào năm 2025. Vừa qua Bộ Công nghiệp đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Than giai đoạn 2006 – 2015, định hướng đến năm 2025. Trong đó xác định mục tiêu quan trọng là đến năm 2010 giảm xuất khẩu than xuống còn 12 triệu tấn, năm 2015 giảm còn 5 triệu tấn, sau năm 2015 giảm dần và tiến tới không xuất khẩu.
Mục đích của giảm và tiến tới không xuất khẩu than là nhằm khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên than trong nước để sử dụng lâu dài. Do đó vấn đề bảo vệ tài nguyên than phải được coi trọng. Bảo vệ tài nguyên không chỉ là việc dẹp sạch nạn than thổ phỉ, mà phải đảm bảo cho việc khai thác hết than ở các điểm khai thác. Ví than như “bánh mì” của ngành công nghiệp cho chúng ta dễ hình dung nếu không được bảo vệ, tiết kiệm thì “bánh mì” sẽ lãng phí và chóng hết!
Ý kiến ()