
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, MTTQ các cấp của tỉnh đã tích cực vận động nhân dân tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trên địa bàn tỉnh có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS có trên 162.500 người, chiếm 12,3% dân số toàn tỉnh, tạo nên cộng đồng đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây được coi là nguồn tài nguyên vô giá để Quảng Ninh khai thác phát triển bền vững các sản phẩm du lịch.
Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, những năm qua Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn của từng địa phương.
Trước thực trạng nghề thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của phụ nữ Dao có nguy cơ bị mai một, năm 2022, Ủy ban MTTQ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) đã thành lập và ra mắt CLB Giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao tại bản Tài Lý Sáy. CLB đã tập hợp, thu hút những người yêu thích, có tâm huyết tham gia truyền dạy. Đến nay CLB có gần 30 thành viên cả người lớn và thanh thiếu niên. Vào những khi nông nhàn hay ngày nghỉ, các thành viên CLB tập trung tại Nhà văn hóa bản để truyền dạy cho nhau nghề thêu truyền thống của dân tộc mình.
Chị Chíu Sám Múi (bản Tài Lý Sáy) cho biết: “Tham gia CLB tôi được các chị, các cô tận tình hướng dẫn, chỉ dạy từng đường kim mũi chỉ, cách thêu các hoa văn, họa tiết trên bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao. Đến nay tôi đã tự thêu được bộ trang phục cho mình, nên rất phấn khởi. Tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, vận động nhiều hội viên phụ nữ cùng tham gia, để không làm mất đi truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Lâm Vũ Thị Hằng cho biết: Từ hiệu quả của mô hình CLB Giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao tại bản Tài Lý Sáy, năm 2025 xã sẽ nhân rộng thêm 1 CLB tại bản Thanh Bình với 8-10 thành viên, để ngày càng có nhiều phụ nữ biết thêu trang phục truyền thống.

Là xã thuộc vùng đồng bào DTTS có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, từ ẩm thực, trang phục, nghệ thuật hát Soọng cô, lễ hội Đại Phan và các nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng tổ tiên của người Sán Dìu, thời gian qua Ủy ban MTTQ xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) đã tổ chức các lớp dạy hát Soọng cô, dạy tiếng Sán Dìu, may thêu trang phục dân tộc; nghề thủ công truyền thống; tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ giữa CLB hát Soọng cô của xã với các CLB hát Soọng cô trong và ngoài tỉnh, như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang...; tổ chức thi đấu các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, dịp Tết, lễ hội đầu xuân, lễ hội Đại Phan…
Sau 2 năm triển khai mô hình “Khu dân cư giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Y”, Ban Công tác mặt trận thôn 6 (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà) đã vận động được 33 thành viên tham gia mô hình, tăng 23 thành viên so với khi thành lập. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các thành viên chia thành các nhóm nhỏ: Hát đối, hát giao duyên, ẩm thực, nhóm duy trì các hoạt động tín ngưỡng, CLB dân vũ bằng trang phục Dao Thanh Y… Đến nay mô hình trở thành điểm sáng trong gìn giữ các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện.
Với sự vào cuộc tích cực của MTTQ các cấp, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa để phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương; củng cố tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Ý kiến ()