
Báo động từ "ô nhiễm trắng"
Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, túi nilon hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đã gây ra những tác hại báo động đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
Hiện nay việc sử dụng túi nilon, chất thải nhựa ở Việt Nam còn rất phổ biến. Theo thống kê hiện tại có trên 93% dân số sử dụng túi nilon, chất thải nhựa. Ở Quảng Ninh, chỉ riêng 2 đô thị lớn là Hạ Long và Cẩm Phả đã phải xử lý khoảng 400 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, trong đó, phần lớn rác thải sinh hoạt là rác thải nhựa, túi nilon. Ước tính trung bình mỗi gia đình ở thành thị có thể sử dụng từ 3 đến 9 túi nilon/ngày. Một số địa phương trong tỉnh như Uông Bí, Quảng Yên, Hải Hà… cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, không bố trí được địa điểm chôn lấp. Rác thải nhựa, túi nilon gây tác hại ngay từ khâu sản xuất bởi vì việc sản xuất phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia chủ yếu được sử dụng là chất hoá dẻo, kim loại nặng, phẩm màu - những chất cực kỳ nguy hiểm tới sức khoẻ và môi trường sống của con người. Do đó trong quá trình sản xuất nó sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thực tế nhiều loại hộp nhựa, túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp chúng dưới đất sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và fura gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ,… Đặc biệt trong một số loại túi nilon có lẫn lưu huỳnh, dầu hoả nguyên chất khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axít sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit rất có hại cho phổi.
Cùng với đó, các loại túi nilon màu khi dùng để đựng thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các loại như chì, clohydric gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thức ăn nóng đựng trong túi nilon, hộp nhựa bị nhiễm độc rất cao, đặc biệt là nhiễm chất độc DOP (Dioctin Phatalat). DOP là chất dẻo, có tác dụng giống như hormone nữ vì thế có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh ở nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.
Với định hướng phát triển cân bằng, hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xã hội, trên tinh thần phát huy những giá trị sáng tạo, Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon… tiêu biểu như: Mô hình "Phụ nữ sử dụng túi sinh học tự phân hủy" của phụ nữ phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả). Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu giảm sử dụng túi nilon trong cộng đồng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Để hạn chế rác thải nhựa, túi nilon trên địa bàn tỉnh đạt được kế hoạch đề ra, cần được các cấp, ngành tích cực vào cuộc hơn và mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân và gia đình.
Nguyên Lâm
Ý kiến ()