Báo động pháo lậu
Những năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 406/TTg và Chính phủ có Nghị quyết số 05/CP về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt tất cả các loại pháo, được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình. Việc thực hiện CT 406 và NQ 05 đã được tổ chức tốt và đạt kết quả cao. Song vài năm gần đây, tệ nạn đốt pháo lại tái diễn nghiêm trọng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Việc làm này không chỉ gây bức xúc trong xã hội, mà thực sự còn là thách thức với các cơ quan quản lý trật tự xã hội và chính quyền các địa phương.
Quảng Ninh, do điều kiện địa lý của mình là một địa bàn “thuận lợi” cho việc nhập lậu pháo tiêu thụ và qua Quảng Ninh, tiêu thụ ở tuyến trong. Bởi vậy, việc tiếp tục duy trì thực hiện CT 406 và NQ 05 ở tỉnh ta càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ngoài việc tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác cho mỗi người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần áp dụng triệt để các biện pháp quản lý như tổ chức ký cam kết, đưa vào quy ước, hương ước, tiêu chuẩn thi đua… và kiên quyết xử lý các vi phạm. Ví dụ với đối tượng lái xe, thuyền trưởng vận chuyển pháo lậu, ngoài các hình thức xử lý hành chính, pháp luật như phạt tiền, phạt tù, cần áp dụng hình thức tước bằng lái xe, bằng thuyền trưởng có thời hạn hoặc vĩnh viễn tuỳ theo mức độ vi phạm. Với việc đánh thẳng vào “cần câu cơm” của loại đối tượng này, sẽ làm cho họ bớt đi hoặc không dám tham gia, tiếp tay cho pháo lậu. Chỉ có thực hiện kiên quyết, đồng bộ các biện pháp, chúng ta mới có thể kiềm chế và loại trừ tai hoạ pháo lậu ra khỏi đời sống xã hội.
Ý kiến ()