Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử
Trên cơ sở đúc kết thực tiễn 35 năm đổi mới và phát triển, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngày 9/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27. Đây là Nghị quyết có tính chất chuyên đề đầu tiên về nhà nước pháp quyền của Đảng, trong đó, từ quan điểm đến mục tiêu, đặc biệt là mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đặt ra vấn đề bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và phấn đấu đến 2030, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm hình thành, củng cố ý thức pháp luật của toàn xã hội, đổi mới chương trình, nội dung giáo dục pháp luật một cách thiết thực, phù hợp với các đối tượng. Đồng thời, tích cực góp ý, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ về nội dung và hình thức. Đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực nhằm bảo đảm trật tự, trị an, an toàn xã hội, an toàn về pháp lý cho mọi cá nhân, tổ chức, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật với quan điểm “Không có vùng cấm”, “Không có ngoại lệ”… để bảo đảm được trật tự, kỷ cương, phép nước và hình thành ý thức tôn trọng pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, đồng thời kết hợp với giám sát xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, của công dân đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, tác động đến ý thức chấp hành, tôn trọng pháp luật của các đối tượng xã hội để hình thành và củng cố được ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Để thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội, Quảng Ninh rất coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đánh giá của Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh), nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Quảng Ninh thời gian qua luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm của từng sở, ban, ngành, đoàn thể; nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Nội dung tập trung vào các văn bản luật mới ban hành, dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội, các quy định liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp...
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, như phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu, đối thoại chính sách, tập huấn, nói chuyện chuyên đề. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức gần 3.700 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, thu hút gần 38.000 người tham dự.
Đặc biệt, ngày 4/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối vói công tác tư pháp trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp huyện/xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trợ giúp pháp lý, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 427-KH/TU ngày 20/7/2020 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chú trọng truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm đến năm 2025, trên 85% Nhân dân trên địa bàn tỉnh, trên 95% người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức phù hợp; 100% đối tượng trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ pháp lý; tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành ở cơ sở hằng năm đạt trên 80%. Đến năm 2030, hoàn thành mục tiêu “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật” trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Bằng những chỉ đạo sát sao, những giải pháp cụ thể, thiết thực, Quảng Ninh đang lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Qua đó, đảm bảo mục tiêu “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật” trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
Ý kiến ()