Bài học từ sự chủ động
Điều đáng nói trong việc phòng chống cơn bão số 1 là ngoài sự chỉ đạo bằng công điện, văn bản, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống các hiện trường-những nơi có nguy cơ thiệt hại cao-ngay trong lúc mưa gió để chỉ đạo các phương án phòng tránh, di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung khắc phục những phần việc, những nguy cơ gây mất an toàn xong trước khi bão đổ bộ vào địa bàn.
Trước đó, ngành Thuỷ sản đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng về các điểm trú bão. Thị xã Móng Cái cũng đã kêu gọi được các tàu thuyền về cập bến an toàn; bố trí lực lượng ứng cứu tại các tuyến đê, kè xung yếu; chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhân công, vật tư sẵn sàng thường trực giải quyết sự cố. Huyện Yên Hưng đã chỉ đạo các xã tháo nước ở các hồ đầm, vùng trũng để tránh ngập lụt; kêu gọi người dân ở các khu nuôi trồng thuỷ sản đến nơi trú bão an toàn...
Có thể nói với sự chủ động trong công tác phòng chống cơn bão số 1, từ khâu chỉ đạo đến việc kiểm tra thực tế tại hiện trường, có các phương án cụ thể, đến việc chuẩn bị tốt nhân công, vật tư, phương tiện nên cơn bão đã không gây ra những hậu quả nặng nề. Đây là bài học, kinh nghiệm cần được phát huy trong thời gian tới vì đây mới là cơn bão số 1.
Ý kiến ()