
Bài học từ Hạ Đình
Những ngày qua, vấn đề được nhiều người dân trong cả nước quan tâm, theo dõi có lẽ chính là vụ việc tại Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Vụ cháy đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho Công ty, nhưng thiệt hại lớn nhất là làm cả khu vực xung quanh bị nhiễm độc thủy ngân, khiến cuộc sống của người dân ở khu vực này bị đảo lộn.
Người dân Hạ Đình đang rất lo bởi vụ cháy đã xảy ra gần nửa tháng nhưng đến giờ này Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cùng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được kết luận chính thức.
Người dân hoang mang bởi khi xảy ra cháy, Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông đã mập mờ việc sử dụng lượng thủy ngân trong sản xuất bóng đèn, còn chính quyền địa phương lại không nắm được đơn vị này có sử dụng thủy ngân hay không, số lượng là bao nhiêu. Phải đến khi có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông mới thừa nhận lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1kg đến 27,2kg.
Đến thời điểm này, một thông tin chính xác nhất về vụ việc vẫn chưa được chính quyền cùng các đơn vị chức năng liên quan đưa ra để người dân yên lòng. Chính vì vậy, hiện tại hàng trăm hộ dân vì lo sợ đã phải bỏ nhà cửa “cực chẳng đã” di chuyển đến khu vực khác an toàn để thuê nhà ở tạm. Mọi hoạt động sinh hoạt đời thường, kinh doanh, học hành... ở những nơi xung quanh Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông đều bị đảo lộn hoàn toàn. Người dân trong khu vực cũng không biết đến bao giờ mới có thể trở về ngôi nhà thân yêu trong điều kiện môi trường sống an toàn.
Điều đáng nói là chủ trương di chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư đã có từ lâu, nhưng do chính quyền địa phương không thực hiện quyết liệt, sát sao, nên nhiều nhà máy, nhà xưởng sản xuất vẫn “án binh bất động”. Điều này không chỉ có ở Hà Nội, mà ở các địa phương trong đó có Quảng Ninh vẫn tồn tại tình trạng này.
Từ vụ việc nghiêm trọng ở Hạ Đình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm và có phương án để quản lý chặt chẽ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định; đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư.
Thực tế thì chủ trương di dời những xưởng sản xuất, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đã được các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng triển khai từ nhiều năm qua. Thế nhưng, công việc này chưa được chính quyền cơ sở thực hiện một cách nghiêm túc. Chính vì vậy, những cơ sở này vẫn còn hoạt động xen kẽ với các khu dân cư, tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống, môi trường của người dân.
Có thể nói, để xảy ra vụ việc như ở Hạ Đình gây thiệt hại về tài sản và kinh tế là vô cùng lớn, nhưng cái mất lớn nhất có lẽ là lòng tin của người dân khi thông tin về vụ việc chưa được các cấp chính quyền đưa ra một cách kịp thời, chính xác. Và để không còn những sự vụ như ở Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông thì việc quản lý, giám sát, kiểm tra của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền sở tại đối với những đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn là vô cùng quan trọng, để khi xảy ra sự cố có thể cảnh báo kịp thời đến người dân, tránh được tâm lý hoang mang.
Thái Bình
Ý kiến ()