Bài học từ cha ông
Nêu vấn đề như trên để thấy mọi sức mạnh đều từ nhân dân. Quan trọng là khơi nguồn sức mạnh này như thế nào. Nhà nước ta đang thi hành xã hội hoá các hoạt động y tế, văn hoá, giáo dục và thể dục-thể thao, mục đích là khơi nguồn sức mạnh trí lực của nhân dân để nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Huyện Yên Hưng là địa phương của tỉnh Quảng Ninh hiện đang đi đầu trong toàn tỉnh về xã hội hoá hoạt động bảo tồn di tích. Được biết chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, hệ thống các di tích, danh lam trên địa bàn Yên Hưng đã được đầu tư khoảng 31 tỷ đồng để tôn tạo, trong đó có 17 tỷ đồng do người dân đóng góp. Đồng chí Lê Đồng Sơn, Trưởng phòng Văn Thể huyện Yên Hưng khẳng định: Nếu như không có sự góp sức tích cực của nhân dân thì Yên Hưng không thể bảo tồn và phát huy được mạng lưới dày đặc các di tích tại địa phương. Tại Yên Hưng, ngoài Cụm di tích Chiến thắng Bạch Đằng và một số ít các di tích khác được Nhà nước đầu tư tôn tạo, còn lại hầu hết các di tích đầu tư tôn tạo đều do nhân dân đóng góp kinh phí là chủ yếu. Trong đó có các di tích do nhân dân đóng góp với số vốn lớn từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng như đình Đông, đình Quỳnh, chùa Đồng, chùa Lưu Khê, chùa Quỳnh Hương và một số nhà thờ họ. Chỉ riêng từ đường họ Nguyễn Văn ở xã Phong Cốc đang được xây dựng với dự toán kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng.
Có thể nói huyện Yên Hưng đã học được bài học từ cha ông trong việc chung sức gìn giữ gia tài của Tổ quốc, chăm lo những lợi ích của cộng đồng.
Việc cha ông tạo dựng được những công trình tạo sự cố kết làng nước thì chúng ta cũng phải làm được và có trách nhiệm phải làm tốt hơn. Có được tinh thần này thì chúng ta mới thiết thực thúc đẩy xã hội hoá hoạt động các lĩnh vực văn hoá-xã hội.
Ý kiến ()