Bài học chủ quan
Thật đại phúc, vì vào thời điểm xảy ra dông lốc (21 giờ 35 phút), hầu hết các tàu du lịch đã về neo đậu tại cảng. Trong số đó có nhiều tàu đã vội vã rời khỏi nơi trú bão để về cảng. Và nhiều tàu cũng vừa trả xong khách, chỉ còn số ít nhân viên phục vụ, thuỷ thủ còn lại trên các tàu nhưng đều kịp mặc áo phao bơi vào bờ trước khi tàu chìm. Giả thiết cơn lốc xảy ra vào ban ngày hay lúc các tàu đưa đón khách du lịch đang hoạt động tấp nập thì không biết hậu quả sẽ đến mức nào.
ở đây có một điều rất đáng nói, đó là thời tiết ngày 25-9 rất xấu do ảnh hưởng của cơn bão số 4. Từ trưa và chiều đã có mưa và gió (mặc dù theo dự báo tâm bão không vào Quảng Ninh, nhưng vẫn bị ảnh hưởng), thế nhưng không hiểu tại sao các tàu du lịch chở khách tham quan vịnh Hạ Long vẫn được phép hoạt động (!?). Đây là sự chủ quan, bất cẩn chết người. Từ đây cho thấy công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch nói chung và khách tham quan trên vịnh nói riêng còn hết sức bất cập, chưa chắc chắn. Thời tiết luôn diễn biến bất thường, trong khi các hoạt động trên sông nước lại rình rập nhiều rủi ro, nhưng ý thức cảnh giác, đề phòng của cả cơ quan chức năng và người dân đều còn rất hạn chế. Nhiều khi chỉ vì để thu được vài trăm ngàn, vài triệu đồng mà người ta bất chấp cả sự nguy hiểm đối với tính mạng của nhiều người.
Không chỉ có vậy, công tác cứu hộ, cứu nạn, trang bị phương tiện cứu sinh cũng là vấn đề đáng bàn. Cụ thể là khi xảy ra tai nạn việc triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn hết sức chậm trễ, lúng túng, thiếu thốn phương tiện. Tai nạn xảy ra ở gần bờ còn đỡ, còn nếu xảy ra giữa biển thì không biết còn lúng túng đến mức nào?
Vùng biển Bãi Cháy thường xuyên xảy ra dông lốc. Đã không ít lần tàu du lịch bị chìm đắm. Vậy mà các chủ tàu và cơ quan quản lý vẫn chưa rút ra được những kinh nghiệm. Với sự cố lần này, hy vọng các cơ quan chức năng và chủ phương tiện rút ra được nhiều bài học sâu sắc. An toàn tuyệt đối cho khách phải là tối thượng…
Ý kiến ()