
Bài học cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành
Ngày 15-3 vừa qua, Thanh tra Sở Du lịch đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch với số tiền phạt là 25 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong thời hạn 12 tháng (kể từ ngày 16-3-2017) đối với Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long, có địa chỉ tại tổ 8, khu 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long...
Trước đó, vào ngày 13-3, tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long đã không đón và thực hiện chương trình du lịch đối với đoàn khách gồm 107 người Trung Quốc sang du lịch Việt Nam. Với hành vi này, Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long đã vi phạm hành chính không quản lý khách du lịch theo hợp đồng, chương trình du lịch đã ký kết, theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo...
Qua xác minh cho thấy, đoàn khách Trung Quốc đã làm thủ tục xuất cảnh sang Việt Nam, đến nhà chờ tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái để nhập cảnh vào Việt Nam du lịch. Chương trình du lịch Việt Nam do Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long đón tiễn. Tuy nhiên, do phía đối tác của Công ty ở Trung Quốc không chuyển tiền thanh toán cho các tour du lịch trước đó, nên phía Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long đã không tổ chức đón đoàn nhằm gây sức ép để phía đối tác Trung Quốc thanh toán tiền. Do phải chờ đợi lâu, số khách Trung Quốc bất bình đã quay trở về nước...
Trong vụ việc này, việc không thanh toán tiền tour của phía đối tác Trung Quốc cho Công ty ở các lần trước là vấn đề mang tính nội bộ giữa hai đơn vị, nhưng lại làm ảnh hưởng đến chương trình du lịch của đoàn khách hơn 100 người mà họ chẳng có liên quan gì. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp, sự chu đáo, thân thiện trong kinh doanh du lịch của Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long còn rất hạn chế. Nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của bản thân đơn vị, mà còn làm ảnh hưởng chung đến môi trường kinh doanh du lịch của TP Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung...
Ngay sau khi vụ việc của Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long xảy ra, ngày 22-3, UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn về chấn chỉnh và triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động lữ hành đón khách du lịch qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh một mặt đánh giá những chuyển biến, bước tiến trong hoạt động đón khách du lịch quốc tế của tỉnh thời gian qua, trong đó có hoạt động đón khách qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái với số lượng ngày càng tăng trong thời gian gần đây, cho thấy đây là tín hiệu vui đối với ngành du lịch địa phương. Mặt khác, đồng chí cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác này của địa phương. Do đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt triển khai các biện pháp, cụ thể như thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của tỉnh đối với các công ty lữ hành liên quan đến việc ký kết hợp đồng với hướng dẫn viên, các khoản thu; rà soát lại việc quản lý các điểm bán hàng, nhà hàng; các điểm có tour du lịch của khách, công khai minh bạch giá cả dịch vụ; có biện pháp cứng rắn đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh lữ hành; đình chỉ hoạt động đối với một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định của UBND tỉnh về quản lý hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là với các doanh nghiệp có trụ sở chính ở ngoài tỉnh...
Từ sự chỉ đạo kiên quyết, cụ thể này của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, hy vọng trật tự kinh doanh du lịch lữ hành trên địa bàn TP Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung sẽ đi vào trật tự, nền nếp, có tính chuyên nghiệp cao. Để đừng bao giờ có những hành vi vi phạm quy định như Công ty CP Thương mại và Du lịch quốc tế Hạ Long đã từng mắc phải. Bởi đây rõ ràng là bài học sâu sắc cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành...
Thanh Tùng
Ý kiến ()