Thực hiện Đề án 25, từ tháng 6/2016 đến nay, ngành Y tế Quảng Ninh đã tiến hành hợp nhất trung tâm y tế (TTYT), bệnh viện đa khoa và trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện trên cùng địa bàn để thành lập TTYT đa chức năng: Y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, dân số, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác. Qua thực tế hoạt động của các TTYT đa chức năng cho thấy, mô hình mới đã phát huy hiệu quả, thể hiện bước đi đúng của ngành Y tế tỉnh.
Trước tháng 6/2016, Bệnh viện Đa khoa TX Đông Triều và Trung tâm Y tế TX Đông Triều là hai đơn vị nhưng lại nằm chung trong cùng một khuôn viên. Lý do là trước năm 2007 thì 2 đơn vị vốn là một, sau đó với mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của khối y tế dự phòng, Đông Triều cùng 7 địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành tách mô hình này ra làm 2 đơn vị riêng biệt là bệnh viện và TTYT. Sau gần 10 năm, khi thực hiện sáp nhập lại, TTYT Đông Triều gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất, hạ tầng đã xuống cấp, chưa đồng độ; trang thiết bị, máy móc thiếu thốn; nhân lực chất lượng cao chưa nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc TTYT TX Đông Triều, cho biết: Tháng 6/2016, bệnh viện và TTYT Đông Triều sáp nhập. Đây là chủ trương đúng, mang tính tích cực. Bộ máy đơn vị bớt rườm rà, tập trung được sự lãnh đạo, chỉ đạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị mạnh hơn; công tác chuyên môn được đầu tư chuyên sâu, đặc biệt nguồn lực để thực hiện các lĩnh vực như đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh... tốt hơn trước kia. Việc sáp nhập cũng giúp tinh gọn bộ máy, số lượng bác sĩ trước đây làm quản lý thì nay tập trung cho công tác chuyên môn, góp phần khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ tại đơn vị. Đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, bác sĩ của Trung tâm có thời gian tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề.
Chính nhờ sáp nhập mà việc đầu tư cho TTYT Đông Triều được tập trung, không bị dàn trải. Theo đó, năm 2017, công trình nâng cấp, mở rộng TTYT TX Đông Triều có tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích 12.000m2. Trong đó, khối nhà khám bệnh, kỹ thuật nghiệp vụ và điều trị bố trí được 155 giường bệnh, nâng tổng số giường của Trung tâm lên 300 giường, đồng thời được trang bị 252 thiết bị y tế thuộc 52 danh mục thiết bị.
Về nhân lực, Trung tâm đã mời một số bác sĩ tuyến trung ương, bác sĩ đã nghỉ hưu ở tỉnh, trung ương về làm việc; sử dụng nguồn nhân lực dùng chung. Đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực theo hướng mời bác sĩ tuyến trên về đào tạo tại chỗ hoặc cử cả kíp đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến trên. Đến nay, Trung tâm đã có 5 bác sĩ CKI và 4 bác sĩ khác đang đào tạo; 33 điều dưỡng, y sĩ học liên thông lên cao đẳng. Đội ngũ nhân lực và trang thiết bị, giường bệnh... của Trung tâm cơ bản đáp ứng nhu cầu dự phòng, khám, điều trị cho nhân dân trên địa bàn.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Xuân Tiến cho biết thêm: Sáp nhập giúp các đơn vị tuyến huyện chủ động, linh hoạt trong điều động cán bộ cho công tác khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng ở các thời điểm nhất định. Nếu như trước đây, khi có dịch bệnh lớn xảy ra, các đơn vị tuyến huyện phải mất nhiều thời gian trao đổi để có sự phối hợp đồng bộ, còn hiện nay, khi tập trung về một mối, chúng tôi có thể nhanh chóng điều động cán bộ, phương tiện tham gia xử lý khi có dịch.
Giống như Đông Triều, từ tháng 6/2016 đến nay, 11/14 huyện, thị xã, thành phố (trừ Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả) đã hoàn thành việc hợp nhất TTYT huyện với bệnh viện đa khoa trên cùng địa bàn thành TTYT huyện 2 chức năng. Từ tháng 7/2018, ngành Y tế tỉnh tiếp tục sáp nhập 14/14 trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện vào TTYT tuyến huyện trên cùng địa bàn để thành lập TTYT đa chức năng. Theo đó, các TTYT tuyến huyện đều lập thêm phòng dân số. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đặng Minh Thu, Phó Giám đốc TTYT TP Móng Cái, cho biết: Ngay sau khi sáp nhập, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của địa phương duy trì và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ. Cùng với đó, sắp xếp, bố trí nơi làm việc, vị trí việc làm của cán bộ từ trung tâm DS-KHHGĐ về. Theo đó, một cán bộ làm công tác kế toán của trung tâm DS-KHHGĐ được bổ sung vào phòng kế toán của TTYT, còn lại 3 cán bộ khác vẫn tiếp tục làm công tác truyền thông, chuyên môn về dân số.
Sau khi sáp nhập, ở các TTYT đa chức năng có nhiều vị trí trùng lặp. Theo đó, cán bộ, công chức về hưu thì sẽ không tuyển mới; các đối tượng khác được chuyển sang khối điều trị (bệnh viện tự chủ về tài chính). Điều này đã tiết kiệm được biên chế, tiết kiệm ngân sách. Đồng thời chất lượng chuyên môn của đơn vị được duy trì. Đặc biệt, việc sáp nhập đã tạo điều kiện để tập trung tài chính, nhân lực, trang thiết bị; giảm được đầu mối, chi phí hành chính; bảo đảm huy động nhanh chóng nguồn lực, nhân lực tham gia phòng, chống dịch bệnh, xử lý các tình huống khẩn cấp. Số lượng bác sĩ trước đây làm quản lý hiện tập trung cho công tác chuyên môn, góp phần khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ tại các đơn vị y tế tuyến huyện. Cán bộ, bác sĩ của các đơn vị có thời gian tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
Đối với công tác DS-KHHGĐ cũng tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả. Đồng chí Bùi Quang Huân, Phó Phòng Dân số, TTYT huyện Hải Hà, cho biết: Khi chưa sáp nhập, nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về dịch vụ KHHGĐ được ký hợp đồng phối hợp thực hiện với TTYT huyện. Sau khi sáp nhập, các hoạt động này đã được chỉ đạo thống nhất và giao về khoa chuyên môn chăm sóc sức khỏe sinh sản thực hiện. Công tác truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác y tế trên cùng một địa bàn cũng có nhiều thuận lợi. Thay vì phân bổ dàn trải cho 3 đơn vị là bệnh viện, TTYT hoặc trung tâm DS-KHHGĐ thì nay kinh phí được tập trung đầu tư cho một TTYT cấp huyện. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới TTYT Quảng Yên, Đông Triều, Hoành Bồ, Đầm Hà. Năm 2018, tỉnh tiếp tục đầu tư xây mới TTYT huyện Hải Hà. Các TTYT đa chức năng cũng được đầu tư bổ sung, hiện đại hóa trang thiết bị y tế để đồng bộ với công trình xây dựng. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ qua việc số lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh và điều trị nội trú tại đơn vị tăng qua các năm, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm… Đến nay, các TTYT đa chức năng đã thực hiện được khoảng 50% các danh mục kỹ thuật tuyến tỉnh.
Có thể nói, việc thành lập TTYT đa chức năng là hướng đi đúng theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương. Tuy nhiên, khi trung ương chưa có một hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung nào cho mô hình này thì việc sáp nhập, thành lập TTYT huyện đa chức năng cũng dễ phát sinh một số vấn đề. Điều này đặt ra những thử thách, khó khăn và ngành Y tế Quảng Ninh đang nỗ lực, triển khai cách làm riêng của mình để hoàn thiện, tinh gọn bộ máy, tổ chức các TTYT, đồng thời hoạt động hiệu quả, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
* Bài 2: Cách làm hay, sáng tạo
Bài, ảnh: Nguyễn Hoa - Hoàng Quý
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()