Tươi đẹp vùng chè Đường Hoa
Có diện tích trồng chè lên tới hơn 800ha, Hải Hà hiện là vùng trồng chè tập trung lớn nhất của Quảng Ninh hiện nay. Cây chè nơi đây không chỉ là loại nông sản nổi tiếng mà những đồi chè tươi xanh, đẹp mắt cũng là điểm check in hấp dẫn du khách khi về với Hải Hà, trở thành tiềm năng cho phát triển du lịch nông nghiệp của địa phương.
Năm 1963, trong nỗ lực tái cơ cấu giống cây trồng, Nông trường Đường Hoa Cương (sau là Nông trường chè Đường Hoa) ở huyện Hải Hà, đã đưa cây chè trung du lá nhỏ từ Nông trường Quân Chu (tỉnh Bắc Thái khi đó) về Hải Hà trồng thử nghiệm. Từ 5.000m2 chè đầu tiên được trồng ở thôn 8, xã Quảng Long, dần dần cây chè được trồng đại trà ra toàn xã Quảng Long và các xã lân cận.
Ông Vũ Xuân Triệu, nguyên Giám đốc Công ty CP Chè Đường Hoa giai đoạn 2005-2008, nhớ lại: Diện tích của nông trường chè ngày xưa có thời gian lên tới hơn 600ha chè, sau này mới cổ phần hoá bán cho dân. Cây chè trung du lá nhỏ phổ biến khi ấy và trồng theo hướng thâm canh hữu cơ, theo chỉ đạo của Nông trường. Giờ thì người dân chủ động hoàn toàn trong việc chăm sóc, thu hái chè…
Hơn 60 năm qua, cây chè Đường Hoa có lúc phát triển mạnh mẽ, có khi trầm lắng nhưng vẫn gắn bó với đời sống bà con nơi đây qua nhiều thế hệ. Bà Nguyễn Thị Thử, thôn 7, xã Quảng Long, là thế hệ thứ hai trong gia đình gắn bó với cây chè. Bà bảo: Bố mẹ chúng tôi trồng chè từ những năm 60 rồi truyền lại cho chúng tôi. Cây chè mang lại cho chúng tôi điều kiện để nuôi sống gia đình, giúp con cái học hành đỗ đạt được như hôm nay, nên chưa bao giờ chúng tôi nghĩ tới việc bỏ cây chè…
Đây có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều người dân Hải Hà đã gắn bó với cây chè bao năm qua. Từ lợi thế của vùng chè diện tích lớn, có truyền thống của địa phương, Hải Hà đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành chè. Các diện tích trồng chè nơi đây thời gian qua từng bước được gia tăng về năng suất, sản lượng bằng nhiều giải pháp, đồng thời đưa các loại máy móc công nghệ cao vào để sản xuất, chế biến.
Cây chè truyền thống là chè trung du lá nhỏ dần được thay thế, chuyển đổi sang các loại chè chất lượng cao, như Ngọc Thuý, Hương Bắc Sơn góp phần nâng cao chất lượng thành phẩm, giá thành cho chè Hải Hà. Việc trồng cây cũng chuyển dần sang trồng chè theo hướng hữu cơ, toàn huyện hiện có hơn 100ha chè sản xuất theo hướng VietGAP và theo đúng quy trình hướng dẫn của Viện KHKT Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc, hứa hẹn cho ra những sản phẩm chè sạch, cao cấp hướng mạnh sang xuất khẩu.
Qua tìm hiểu cho thấy, với hơn 800ha chè toàn huyện cho sản lượng đạt trên 1.000 tấn chè khô/năm, xuất vào các thị trường trong và ngoài nước. Cây chè cho người dân nguồn thu nhập ổn định, bình quân cho thu nhập 150-200 triệu/ha/năm.
Không chỉ người trồng chè, vùng đất này còn nuôi sống những người thu mua, sản xuất và phân phối, tiêu thụ chè. Anh Trần Sỹ Dũng, chủ cơ sở sản xuất chè Dũng Nga là một ví dụ. Anh là người con của vùng chè Hải Hà, hiện đang bao tiêu khoảng 30% sản lượng cho bà con trồng chè nơi đây. Búp chè tươi được các cơ sở như của anh Dũng thu mua toàn bộ cho bà con. Anh cho hay, bà con ở Hải Hà hầu như đều thu hái chè tươi bằng máy nên cọng chè dài, khi đưa vào máy chế biến mới lọc dần ra để lấy phần búp chè đạt tiêu chuẩn…
Gắn bó với cây chè lâu năm ở vùng đất này không thể không kể tới bà Hà Ngọc Quỳnh. Từ người buôn chè, bà có cơ hội đi khắp các vùng chè trong nước và sang cả nước ngoài để học hỏi về nghề làm chè, mạnh dạn đưa các giống chè mới về Hải Hà canh tác, trong đó có hàng trăm ha chè Ngọc Thuý.
Các đồi chè của gia đình bà đều được trồng theo hướng hữu cơ, có những cách thức chăm sóc chè rất đặc biệt như cho chè “uống sữa”, “uống mật ong”… Đây là nguyên liệu cho ra những sản phẩm trà khác biệt, như: Lục trà Đường Hoa, Ô long Đường Hoa, Bạch mẫu đơn Đường Hoa, Bích xuân loan Đường Hoa, Mỹ nhân Đường Hoa, Hồng trà Đường Hoa, Hồng mật trà Đường Hoa…, có loại trà bán với giá lên tới cả chục triệu đồng/kg. Nối tiếp nghề của mẹ, con gái bà là chị Phạm Thị Thanh Hương đã xây dựng thương hiệu trà Việt Tú, đưa nhiều sản phẩm kể trên ra thị trường nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Từ lợi thế về cây chè, trong chiến lược phát triển của mình, huyện Hải Hà đang đặt ra mục tiêu hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp từ cây chè, kết nối với du lịch văn hoá vùng cao biên giới các dân tộc thiểu số ở Quảng Sơn, Quảng Đức và du lịch biển đảo Cái Chiên tươi đẹp của địa phương.
Ý kiến ()