Áp thuế tiêu thụ đặc biệt: Máy điều hòa đâu phải hàng xa xỉ!
"Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa nhiệt độ".
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần có lộ trình phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp, đồng thời không được để các mặt hàng nông sản, trái cây tự nhiên có chứa đường cũng thuộc diện chịu thuế.
Ngày 27-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, trong đó nhiều đại biểu quan tâm nhất là nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn VN có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB, việc tăng thuế với rượu bia và áp thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ, xăng dầu...
Cần có lộ trình áp thuế, tăng thuế phù hợp
Dẫn số liệu cho thấy tỉ lệ tiêu thụ đồ uống có đường đã giảm dù chưa cần phải áp dụng thuế cũng như chưa có đánh giá tác động tiêu thụ nước giải khát có đường ở người bị béo phì có tương quan thế nào với số lượng nước giải khát có đường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB.
Trong khi đó, theo bà Thủy, việc đánh thuế này sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp chế biến dừa đang kiệt quệ sau COVID-19, cùng hơn 200.000 nông dân trồng dừa của tỉnh Bến Tre và nhiều địa phương khác, gây thất thu ngân sách của các địa phương có trồng dừa.
Ủng hộ việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm nhưng đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này: thực chất là bảo vệ sức khỏe người dân hay chỉ là tăng thu ngân sách?
Cũng ủng hộ việc đánh thuế TTĐB với thuốc lá và rượu, bia - những sản phẩm có hại cho sức khỏe - nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc đánh thuế theo hướng các đồ uống có cồn với nồng độ cao sẽ phải chịu thuế cao hơn, những đồ uống có nồng độ cồn thấp chịu thuế thấp hơn.
"Thuế suất với đồ uống có nồng độ cồn thấp tương đương với đồ uống có nồng độ cồn cao là bất hợp lý" - ông Cường nói.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc tăng thuế với rượu bia sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy, người lao động.
Vì vậy bà Phúc đề nghị cần đánh giá tác động trước khi quyết định thời gian áp dụng. Đồng thời xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất hợp lý để đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và việc làm của người lao động.
Áp thuế TTĐB với máy điều hòa, xăng dầu là bất hợp lý
Ngoài việc áp thuế TTĐB với những mặt hàng xa xỉ để điều chỉnh tiêu dùng, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng dự luật đang xây dựng với các thuế suất và đối tượng chịu thuế chưa có sự thay đổi nhiều so với dự luật cũ khi có nhiều đối tượng đã áp dụng từ lâu, không còn phù hợp.
Chẳng hạn máy điều hòa nhiệt độ không còn xa xỉ mà đã trở thành hàng tiêu dùng thiết yếu với người dân, cần thiết trong đời sống.
Khẳng định việc sử dụng máy điều hòa nhằm phục vụ tốt hơn cho sức khỏe người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng "máy điều hòa không có lỗi" và phản đối việc áp thuế TTĐB với mặt hàng này, thay vào đó là cần có hướng dẫn cho người dân cách sử dụng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc áp thuế TTĐB với mặt hàng này là không phù hợp, người dân hạn chế sử dụng không khác nào trở về "thời kỳ đồ đá", trong khi việc tăng thuế cũng không thu được bao nhiêu cho ngân sách.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho hay mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ đã phải chịu thuế TTĐB từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.
Từ mặt hàng xa xỉ, nay điều hòa nhiệt độ đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống. "Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới đánh thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ" - ông Đồng nói.
Cũng theo ông Đồng, không có nước nào vừa đánh thuế TTĐB vừa đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng.
Vì vậy, với mặt hàng tiêu dùng phổ biến mà đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng trong khi đây không phải mặt hàng xa xỉ là không phù hợp.
"Cần nghiên cứu bỏ thuế TTĐB với xăng. Trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này", ông Đồng đề nghị.
Ý kiến ()