
Ấn tượng triển lãm 100 năm Báo chí cách mạng tại Quảng Ninh
Sau 10 ngày diễn ra, triển lãm kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, Lịch sử báo chí Quảng Ninh và các thành tựu nổi bật của tỉnh không chỉ thu hút đông đảo người dân, du khách, mà còn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Triển lãm đã thực sự lan toả tinh thần, lịch sử, giá trị nghề báo, giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng những đam mê.
Chiếc máy phát hình Thomson công suất 1kw (Pháp) của Đài Phát thanh, truyền hình là một trong số hơn 100 tư liệu, hiện vật được trưng bày tại triển lãm, gắn liền với lịch sử báo chí Quảng Ninh nói chung, phát thanh, truyền hình nói riêng. Bằng nguồn lực đầu tư của tỉnh, việc đầu tư một máy phát hình mới 1kw của hãng Thomson trị giá 60.000 USD, cùng hệ thống máy dựng hình UMATIC được xem là hiện đại nhất bấy giờ; camera mặc dù chỉ có 3 chiếc DXC1200, DXC1600, DXC1800, nhưng cũng là quyết tâm, cố gắng rất lớn, thể hiện rõ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác tuyên truyền.
Nhờ đó, đúng ngày 2/9/1983, chương trình truyền hình Quảng Ninh đầu tiên được phát sóng trên kênh 12VHF. Với sự kiện này, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc có chương trình truyền hình.

Trang báo cũ, những máy ảnh đã nhuốm màu thời gian, hay những chiếc máy phát thanh, truyền hình không còn hiện diện trong đời sống thường nhật... Song mỗi tư liệu, hiện vật đang kể với người dân và du khách, công chúng về câu chuyện của những người làm báo, dòng chảy của lịch sử, sự phát triển không ngừng. Đây là những tư liệu quý khẳng định một thế kỷ xung trận, gắn liền với từng giai đoạn xây dựng và phát triển, tiến lên cùng dân tộc. Những tài sản vô giá được trưng bày tại triển lãm lần này một lần nữa đã khẳng định nhà báo chính là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.
Ông Nguyễn Xuân Cường (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được tham quan triển lãm báo chí. Thông qua triển lãm lần này tôi càng hiểu sâu rộng hơn về quá trình hình thành, phát triển và xây dựng của báo chí Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Không chỉ mang đến cho người dân, du khách, công chúng những câu chuyện về nghề báo thông qua các tư liệu, sự kiện, triển lãm còn thêm lần nữa khẳng định bản lĩnh, đạo đức và trách nhiệm của người làm báo cách mạng qua các thời kỳ.
Triển lãm lần này còn giới thiệu tới người dân và du khách nhiều bức ảnh quý về quá trình tác nghiệp của những người làm báo Quảng Ninh trong từng giai đoạn. Đó là những câu chuyện phía sau từng trang báo, từng bức ảnh hiện trường, hay từng thước phim thời sự đã góp phần làm sống dậy khí chất, bản lĩnh, cũng như trách nhiệm xã hội của người làm báo cách mạng.
Bên cạnh những tư liệu quý giá, hình ảnh sống động và hiện vật gắn liền với các giai đoạn phát triển của báo chí Quảng Ninh, triển lãm cũng chú trọng thiết kế không gian trưng bày khoa học, bài bản và thu hút với các không gian: 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam; lịch sử báo chí Quảng Ninh; thành tựu nổi bật của tỉnh Quảng Ninh; khu vực trường quay thực tế ảo. Trong đó, khu vực Lịch sử báo chí Quảng Ninh được chia thành các giai đoạn 1928-1955, 1956-1985; 1986-2018 và từ 2019 đến nay. Mỗi giai đoạn của báo chí đều gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và đất nước, đồng thời bắt nhịp với xu hướng báo chí quốc tế.
Chị Nguyễn Thị Thanh Dung, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên, chia sẻ: Được tham quan triển lãm báo chí của Quảng Ninh lần này, chúng tôi thật sự bất ngờ. Triển lãm được tổ chức với thời gian kéo dài, quy mô lớn, không gian bài trí khoa học, các tư liệu, hiện vật phong phú, địa điểm thuận lợi cho việc tham quan. Việc tổ chức triển lãm của Quảng Ninh cũng sẽ là kinh nghiệm để Hội Nhà báo các địa phương tham khảo, học tập.

Đặc biệt, tại triển lãm lần này, lần đầu tiên, người dân và du khách được tìm hiểu cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, trải nghiệm công nghệ sản xuất truyền hình tiên tiến của Trung tâm Truyền thông tỉnh với trường quay thực tế ảo được mô phỏng như một trường quay thu nhỏ, phối cảnh chuyên nghiệp, hiện đại thường được sử dụng trong các bản tin thời sự, dự báo thời tiết... Tại đây, người dân và du khách đều có cơ hội trải nghiệm làm những người dẫn chương trình trực tiếp, tương tác với các đồ họa thực tế ảo, ghi hình thực tế.
Anh Trần Mạnh Tuấn (du khách Hà Nội) cho biết: May mắn, trong chuyến tham quan tại Quảng Ninh lần này gia đình tôi có dịp được tham quan triển lãm. Tại đây gia đình tôi được tìm hiểu và trải nghiệm trường quay thực tế ảo với nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại. Đồng thời, hiểu rõ hơn về công việc của các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên truyền hình, cũng như sự quan tâm đầu tư của tỉnh Quảng Ninh cho lĩnh vực truyền hình nói riêng, báo chí nói chung.

Không chỉ tái hiện dòng chảy lịch sử của báo chí Quảng Ninh nói riêng, báo chí Việt Nam nói chung công phu, chuyên nghiệp, hiện đại, triển lãm đã truyền nhiều cảm hứng cho thế hệ trẻ, khơi dậy tình yêu với nghề làm báo, thôi thúc trách nhiệm của mỗi công dân. Vì thế, bên cạnh người dân và du khách, triển lãm cũng thu hút nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm.
Phạm Trọng Thân, sinh viên ngành Văn học - Báo chí - Truyền thông, Khoa Sư phạm Trường Đại học Hạ Long, chia sẻ: Tại triển lãm, có nhiều hiện vật lần đầu tiên em được thấy, như chiếc máy ảnh chụp ảnh trung úy An-vơ-ret, viên phi công Mỹ đầu tiên bị dân và quân Quảng Ninh bắt sống trong trận đầu ngày 5/8/1964; loa truyền thanh Liên Xô (cũ) trang bị cho TX Hòn Gai năm 1972; phiên bản tờ báo Thanh niên - tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên… Em còn được nghe những câu chuyện nghề của các nhà báo lão thành trong những năm tháng vô cùng gian khó, song vô cùng hào hùng. Đó chính là động lực để em tiếp tục cố gắng trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng, rèn luyện đạo đức để trở thành phóng viên, nhà báo bản lĩnh.
Chị Đinh Thị Hằng Nga, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và trải nghiệm sáng tạo Ngôi nhà của dế, cho biết: Triển lãm lần này là cơ hội quý báu cho các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề báo. Trân trọng cơ hội lần này nên chúng tôi đã tranh thủ đưa các học viên của trung tâm đến tham quan triển lãm để các con thêm hiểu, thêm yêu, thêm say mê với nghề báo, nuôi dưỡng thêm ước mơ, bồi đắp tri thức. Nếu sau này có những học viên của trung tâm công tác trong ngành báo chí, phát thanh, truyền hình thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với chúng tôi.
Theo thống kê của Ban tổ chức, sau 10 ngày diễn ra, triển lãm đã thu hút khoảng 4.000 người dân và du khách đến tham quan. Triển lãm không chỉ tạo một điểm đến hấp dẫn người dân và du khách, mà quan trọng hơn hết đó là tiếp lửa cho các thế hệ sau, giáo dục lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc. Những tài sản vô giá trưng bày tại triển lãm sẽ cùng kể tiếp những câu chuyện lịch sử 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam cho lớp lớp thế hệ mai sau. Đằng sau mỗi hiện vật là một số phận, một câu chuyện không chỉ nói về quá khứ, mà còn làm nên sự thôi thúc của hiện tại và tương lai.
Ý kiến ()