An toàn thực phẩm
Qua kiểm tra cũng như dự báo của cơ quan chức năng, đây là thời điểm “thuận lợi” để các loại hàng giả, kém chất lượng, hàng lậu tung ra thị trường. Thực tế qua kiểm tra cũng đã phát hiện không ít hàng hoá, thực phẩm không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn ở cả nơi sản xuất và trên thị trường. Với thực trạng đáng lo ngại và khó kiểm soát này, nhiều khách sạn 4-5 sao ở Hà Nội đã phải nhập toàn bộ thực phẩm, rau quả từ nước ngoài, trừ mỗi mặt hàng hạt tiêu là mua trong nước. Với người nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển, văn minh thì yêu cầu vệ sinh ATTP luôn được đặt lên hàng đầu. Những cơ sở chế biến, hãng sản xuất, cửa hàng kinh doanh nếu có sai phạm sẽ bị người tiêu dùng kiện và phải bồi thường cho họ thoả đáng. Tiếc rằng nếp sinh hoạt khoa học, văn minh này chưa được “du nhập” vào Việt Nam. Nói chung người dân chúng ta ở tất cả các vùng, miền đều luôn ở trong tâm trạng vừa ăn, vừa lo...
Do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chế tài xử lý chưa nghiêm, công tác kiểm tra được chăng hay chớ, lúc làm lúc không nên người dân buộc phải “sống chung” với hàng hoá kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh. Người nào cảnh giác và có ý thức thì cẩn trọng hơn trong lựa chọn mua sắm, nhưng cũng chỉ bằng cảm quan mắt nhìn, tay nắn. Còn những người chủ quan, ít hiểu biết thì cứ ung dung cho đến khi... bị ngộ độc.
Thực trạng thực phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn luôn ở mức báo động. Và vào dịp tết này cấp độ nguy hiểm còn ở mức cao hơn nữa. Vì vậy với trách nhiệm được giao các cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra quyết liệt, trên diện rộng, liên tục, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, từ trong kho hàng đến ngoài quầy bán. Chỉ có tiến hành làm gắt gao mới hy vọng ngăn chặn, giảm được các vi phạm; dù chưa thể triệt để thì chí ít cũng khiến những người sản xuất, kinh doanh vô lương tâm phải nhụt chí, sợ hãi, không dám công khai...
Ý kiến ()