Ẩn hoạ từ khai thác đá
Lỗi lớn nhất là không thực hiện theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt, khai thác theo quy trình ngược (từ dưới lên trên), hình thành các hầm ếch có thể sập bất cứlúc nào...
Để xảy ra các vi phạm phổ biến này trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Để tăng lợi nhuận, giảm chi phí họ đã cắt xén công đoạn, không đầu tư công nghệ kỹ thuật đảm bảo yêu cầu. Vì vậy người lao động luôn phải làm việc trong tình trạng mất an toàn. Bên cạnh đó một phần lỗi cũng là do chính người lao động đã không có ý thức tự bảo vệ an toàn cho mình, làm việc trong điều kiện không có trang thiết bị bảo hộ, không đấu tranh với chủ doanh nghiệp để có điều kiện, môi trường làm việc an toàn. Song cũng còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng là sự thiếu sâu sát trong quản lý của các cơ quan cấp phép, giám sát an toàn. Chính vì vậy những sai phạm đã không được nhắc nhở, xử lý kịp thời.Dẫn tới hiểm hoạ lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu người lao động. Nếu không có đợt kiểm tra đột xuất vừa qua của ngành chức năng thì không biết những hiểm hoạ này đến bao giờ mới được phát hiện?.
Từ kết quả của đợt kiểm tra, ngành chức năng phải có ngay biện pháp xử lý, khắc phục những vi phạm. Nơi nhẹ thì nhắc nhở, nơi nặng thì xử phạt hành chính. Và điều quan trọng là phải xây dựng được quy chế phối hợp giữa ngành với địa phương trong công tác quản lý, giám sát các cơ sở khai thác đá trên địa bàn. Thiết nghĩ từ kinh nghiệm, bài học này cần mở rộng hoạt động kiểm tra, thanh tra ở các ngành nghề có nguy cơ cao khác để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn được an toàn, phát triển bền vững.
Ý kiến ()