Ấm tình quân - dân nơi biên giới
“Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Khắc ghi lời Bác Hồ dạy, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn tích cực đẩy mạnh công tác vận động quần chúng với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Qua đó, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển
Đã hơn 4 tháng trôi qua kể từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh nhưng với bà con ngư dân cũng như nhân dân vùng biên giới, hải đảo vẫn luôn nhớ đến sự giúp đỡ kịp thời của những người lính Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Chị Phạm Thị Hồng (SN 1975), trú tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, là một trong những ngư dân đã được các chiến sĩ Hải đội Biên phòng 2 (BĐBP tỉnh) cứu thoát khỏi cơn bão dữ, cho biết: Đêm ngày 7/9/2024, sóng to, gió lớn đã làm nhiều tàu thuyền của ngư dân chúng tôi đang neo đậu tránh trú bão tại hòn Vụng Chùa bị lật úp. Tình huống bất ngờ, ngư dân chúng tôi chỉ biết bơi vội vào được núi đá gần đó tránh bão. Rất may, đến sáng 8/9 chúng tôi đã được lực lượng BĐBP cứu giúp. Lúc đó gió vẫn còn to, sóng vẫn còn lớn nhưng các anh ấy đã không quản ngại nguy hiểm, tìm cách đưa 11 người chúng tôi về đất liền an toàn.
Không chỉ tham gia tìm kiếm cứu nạn trong và sau bão, BĐBP cũng chính là một trong những lực lượng chủ lực tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Để chủ động phòng, chống, ứng phó với bão số 3, ngay khi có thông tin dự báo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục bão số 3 tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc; phân công lãnh đạo BĐBP cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNN, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp kiểm tra ứng phó với cơn bão. Đơn vị duy trì trực 100% quân số; bố trí 220 đồng chí với 2 tàu, 12 xe ô tô, 10 xuồng cao tốc trực cơ động, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã triển khai 285 lượt phương tiện với 864 lượt cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn, giúp đỡ nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa 126 hộ, 208 ô, lồng bè, di chuyển 128 hộ/415 nhân khẩu đến nơi tránh trú bão; phối hợp thông báo kêu gọi 7.464 phương tiện/14.246 ngư dân và 2.230 ô, lồng bè/1.138 người trên địa bàn biên phòng nắm chắc tình hình diễn biến và chủ động và tránh trú đảm bảo an toàn, bắn 36 quả pháo hiệu thông báo bão theo quy định.
Đại tá Nguyễn Văn Thiềm, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: Ngay sau khi bão tan, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai lực lượng phối hợp tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển. Qua đó, đã cứu hộ thành công 14 ngư dân do tàu gặp nạn trên biển; phối hợp với cảnh sát biển tìm kiếm 43 thuyền viên bị nạn trên biển và đưa vào bờ an toàn… Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị BĐBP cũng tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra, trong đó khẩn trương thu dọn, khắc phục tạm thời các công trình bị hư hại, cây cối bị đổ. Đơn vị cũng đã triển khai 384 lượt phương tiện với 1.067 cán bộ, chiến sĩ tham gia bám nắm địa bàn, giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3; điều động hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả và vệ sinh môi trường.
Tỉnh Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về địa lý để phát triển ngành thủy sản với trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ngư trường Quảng Ninh được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Để ngư dân yên tâm vươn khơi, lực lượng BĐBP đã luôn đồng hành cùng bà con từ đời sống dân sinh đến hoạt động vươn khơi. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản, bảo vệ môi trường. Vận động ngư dân thực hiện tốt phong trào quần chúng tự quản ngư trường, bến bãi, an ninh trật tự khu vực biển, đảo; chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về bảo vệ môi trường biển và tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình làm ăn trên biển, ngư dân đã cung cấp hàng nghìn thông tin cho lực lượng Biên phòng phục vụ kịp thời công tác bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2, cho biết: Xác định bà con ngư dân là tai mắt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển, Hải đội 2 thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng; tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân những kiến thức về chủ quyền biển đảo, các quy định đánh bắt, khai thác thủy sản, biện pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng biển quốc gia...
Biên giới là quê hương
Với mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, các anh luôn coi biên giới luôn là quê hương thứ 2 và luôn nỗ lực cống hiến để xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp, an toàn. Để làm được điều đó, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh luôn chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, tình hình nhân dân, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, tuyên truyền quần chúng nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, chống các hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Các đơn vị cũng chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương xây dựng các kế hoạch, chương trình vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hướng về biên giới, biển đảo, nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng tham gia phát triển KT-XH, củng cố QP-AN ở khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh. Qua đó, quần chúng Nhân dân chủ động, tích cực, tự nguyện, tự giác tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, góp phần giảm đáng kể tình hình vi phạm quy chế biên giới, ý thức quốc gia, dân tộc trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Biên phòng được đề cao... Trong năm 2024, các đơn vị tổ chức tuyên truyền được 621 buổi/1.865 lượt CBCS/18.630 lượt người tham gia.
Các đồn biên phòng thực hiện tốt các nội dung đăng ký nhận giúp đỡ, xây dựng thôn, bản, khu dân cư biên giới, biển đảo vững mạnh tiêu biểu và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024; chú trọng triển khai hỗ trợ vật nuôi, cây giống và nâng cao nhận thức trong nhân dân về ăn, ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, hộ gia đình; tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, kiểu mẫu. Năm 2024, BĐBP tỉnh đã giúp đỡ 6 hộ gia đình xây dựng “Vườn kiểu mẫu” với diện tích gần 30.000m2 (trà hoa vàng, cây bưởi da xanh, vườn na, ổi…). Qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con nhân dân khu vực biên giới, giúp nhân dân phát triển kinh tế một cách ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các đơn vị cũng thực hiện hiệu quả Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” và Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Năm 2024, toàn đơn vị trao tặng trên 680 triệu đồng cho 111 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 4 cháu ở tỉnh Sơn La).
Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, những năm qua, những người lính quân hàm xanh là một trong những lực lượng chủ chốt đã và đang chung tay cùng nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đi đầu trên trận tuyến bảo vệ văn hóa. Lực lượng BĐBP đã thực hiện tốt chương trình phối hợp về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo. Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách luôn có các nội dung gắn với tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống trong đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số.
“Những anh bộ đội áo xanh” luôn tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh việc khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá toàn diện các giá trị văn hóa truyền thống, từ văn hóa, văn nghệ dân gian, đến phong tục tập quán, lễ hội, tổ chức gia đình, làng bản, dòng họ... Từ đó, đề xuất xây dựng mô hình phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, khôi phục nhiều hình thức sinh hoạt lễ hội truyền thống, ra sức giữ gìn văn hóa các dân tộc. Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng là lực lượng dân luôn tin, luôn nghe khi vận động bà con xóa bỏ hủ tục, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở bản làng. Nhiều lễ hội truyền thống đã được giữ gìn và phát huy nhờ vào nỗ lực của lực lượng biên phòng phối hợp tại địa phương như Lễ hội Kiêng gió, các lễ hội đình làng, lễ hội mở cửa biển… Việc khôi phục các truyền thống văn hóa này cũng là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, vừa góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân.
Bên cạnh đó, những người lính biên phòng Quảng Ninh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo. Đồng thời, tham gia củng cố, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường, thị trấn biên giới, biển, đảo vững mạnh. Qua đó, tạo ra sự chuyển biến toàn diện, vững chắc trên nhiều lĩnh vực, nhất là làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân và của cả hệ thống chính trị trong phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên biên giới, biển, đảo, tích cực tham gia xây dựng “Thế trận Quốc phòng toàn dân”, “Thế trận an ninh nhân dân”, nền Biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững chắc, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia.
Ý kiến ()