
111 - đường dây nóng bảo vệ trẻ em
Mới đây, tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý) đã chính thức được kết nối trên phạm vi cả nước, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày, để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Tổng đài có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin tố giác và kịp thời có các biện pháp can thiệp bảo vệ trẻ em...
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em được thiết lập bởi ba số 1 (111) đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thao tác nhằm mục đích thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Đây là dịch vụ công đặc biệt góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em...
Tổng đài được Nhà nước đảm bảo nguồn lực hoạt động, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến. Tổng đài 111 được nâng cấp từ Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã hoạt động từ hơn 13 năm nay. Đây sẽ là đường dây khẩn cấp có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc có thẩm quyền để kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ được chuyển đến các cơ quan, cá nhân có chức năng, thẩm quyền bảo vệ trẻ em. Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, bóc lột, bỏ rơi, tổng đài có trách nhiệm hỗ trợ người làm công tác trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với từng trẻ em...
Mọi người đều đã biết, thời gian gần đây, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội liên tục có những thông tin về các vụ việc xâm hại, bạo hành đối với trẻ em, trong đó có nhiều vụ hết sức nghiêm trọng. Đơn cử như vụ bé trai 10 tuổi bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành suốt 2 năm vừa qua ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trong đó có việc trẻ bị đánh đập nhiều ngày dẫn tới gãy xương sườn, rạn sọ não. Hay như trường hợp một học sinh mầm non (4 tuổi) ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) bị đa chấn thương và theo nghi ngờ của gia đình cháu đã bị giáo viên đánh...
Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cũng đã xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó có vụ hết sức nghiêm trọng (vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở Ba Chẽ). Mặc dù số vụ việc được phát hiện, can thiệp không nhiều, nhưng không vì thế mà các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chủ quan, thiếu quan tâm, sâu sát...
Những vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành được phát hiện, can thiệp kịp thời có thể nói là không nhiều. Bởi trên thực tế còn nhiều vụ việc xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, hoặc vì nhiều lý do khác mà người thân không khai báo, tố giác. Điều này có trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm...
Vì vậy, với việc tổng đài 111 được thiết lập, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, trong đó có cả đối tượng trẻ em, thậm chí là chính các trẻ em bị bạo hành thông tin, tố cáo tới các cơ quan chức năng, để có biện pháp bảo vệ, can thiệp kịp thời, giúp các em không bị tổn hại về sức khỏe và sang chấn về tâm lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có tới hơn chục cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng khi xảy ra vụ việc lại rất ít đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm, xử lý. Đây là một trong những tồn tại dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, với nhiều lý do như áp lực kinh tế, đạo đức, lối sống xuống cấp. Vì vậy, bên cạnh việc phát huy vai trò, hiệu quả của tổng đài 111, rất cần các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, làm tròn bổn phận khi tiếp nhận các thông tin cần giúp đỡ thông qua tổng đài. Có như vậy công tác bảo vệ trẻ em mới đạt được hiệu quả cao, mang lại niềm vui, sự an toàn cho trẻ em...
Thanh Tùng
Ý kiến ()