Xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 Phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hướng dẫn các địa phương nhân rộng, mở rộng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đảm bảo gia tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, số điểm bán nhằm tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, tỉnh đã cấp 16 giấy xác nhận chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 59 loại sản phẩm thực phẩm nông nghiệp. Một số mô hình liên kết chuỗi điển hình như mô hình HTX SXKD DVNN Bình Dương (thị xã Đông Triều) sản xuất và tiêu thụ củ khoai tây Atlantic sang với Công ty ORION Hàn Quốc, sản lượng 1.200 tấn/năm, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng; Chuỗi liên kết hàu và các sản phẩm từ hàu hiện có 6 chuỗi sản xuất, thu mua và chế biến hàu: Công ty Cổ phần BIM, Công ty CP thủy sản Cái Rồng, Công ty TNHH và thương mại thủy sản Quảng Ninh, HTX Nam Trung, HTX Bảo Anh, HTX hàu sữa Vân Đồn với diện tích nuôi 445,7 ha, sản lượng 3.120 tấn/năm; Mô hình HTX DVNN chất lượng cao Hoa Phong (thị xã Đông Triều) HTX đã tập trung liên kết sản xuất nông sản sạch cung cấp ra thị trường, sản phẩm HTX hợp đồng cung cấp cho hơn 10 bếp ăn tập thể cơ quan, nhà hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, mỗi năm cung cấp 700 - 1.000 tấn rau, củ, quả ra thị trường, doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng.
Cùng với đó, toàn tỉnh có 932 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nông lâm thuỷ sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cụ thể, cấp tỉnh đã cấp 367 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; cấp huyện cấp 565 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; 28 cơ sở chăn nuôi, 04 cơ sở nuôi thủy sản, 91 cơ sở (1.064,98 ha) vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP, 20 cơ sở áp dụng HACCP, ISO; hàng trăm cơ sở áp dụng GMP, SSOP trong sản xuất, chế biến.
Tnh cũng đã đầu tư phát triển mạng lưới các cửa hàng và điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP. Hiện có 10/29 điểm bán hàng OCOP đã được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Các điểm bán hàng OCOP đã quảng bá giới thiệu và tiêu thụ lượng lớn hàng hóa cho người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tuy đã đạt được những thành công nhất định nhưng việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như quy mô một số chuỗi nhỏ, chủ yếu nội bộ HTX, doanh nghiệp chưa mở rộng thành một vùng hoặc kiên kết với nhiều HTX, doanh nghiệp cùng tham gia; công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản sạch của doanh nghiệp, HTX chưa thường xuyên…
Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai một cách có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo vùng nguyên liệu an toàn, thuận lợi cho việc kết nối chuỗi thực phẩm an toàn. Đặc biệt các cấp, ngành liên quan cần hỗ trợ cơ sở sơ chế, chế biến xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá để mọi người hiểu về lợi ích việc tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Đồng thời, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ưu tiên lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành thông suốt, hiệu quả.
Ý kiến ()