
Việt Nam còn dư địa để tăng xuất khẩu gạo
Các chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng xuất khẩu, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường gần.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo thận trọng ký hợp đồng mới
Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc khi thời gian gần đây, thị trường sôi động trở lại, giá cũng tốt hơn. Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có giá bán cao nhất hiện nay, vượt qua cả Thái Lan và Ấn Độ. Các loại gạo 5% tấm của Việt Nam, gạo hạt dài thơm nhẹ và gạo ở phân khúc cao, đều có giá bán nhỉnh hơn so với các nước, khoảng vài USD mỗi tấn. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn đang thận trọng trong việc ký các hợp đồng mới.
Mỗi năm, Công ty Cổ phần Lương thực A An xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo. Mục tiêu năm nay tăng lên 700.000 tấn. Với tín hiệu thị trường tốt như hiện nay, kỳ vọng mục tiêu này sẽ đạt được. Những ngày qua, giá gạo tăng càng khiến doanh nghiệp phấn khởi.
Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức từ 397 - 410 USD/tấn. Gạo hạt dài thơm nhẹ ở mức 520 - 530 USD/tấn. Gạo ở phân khúc cao cấp ở mức 1.200 USD/tấn. Với giá bán này, đã cao nhất so với gạo cùng loại của các nước từ vài USD/tấn.

Quý I/2025, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 2,3 triệu tấn, với giá bình quân là 522 USD/tấn. Tuy không bằng với giá so với cùng kỳ năm 2024 nhưng đây là mức khá cao trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có sự điều chỉnh mạnh.
Doanh nghiệp đã tạm trữ đủ để thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó. Số còn lại sẽ chờ thị trường tiếp tục tốt hơn mới ký tiếp vì nếu bán vội sẽ không đạt lợi nhuận như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phước Thành IV, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Giá gạo cũng đã tương đối có lời nhưng mà nó cũng chưa được tốt lắm. Hi vọng sắp tới giá sẽ thêm từ 10 - 50 USD/tấn nữa thì tốt hơn"
"Đông Xuân cơ bản đã hết rồi. Đến tháng 7 thì lúa vụ Hè Thu mới vào nên khoảng trống này người mua cũng rất là cần nên tôi nghĩ rằng giá sẽ ổn định", ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phân khúc gạo cao cấp là chiến lược của các doanh nghiệp. Việc mở rộng thị trường cũng giúp tăng tính chủ động và nâng cao giá trị. Mặt khác, các khách hàng truyền thống luôn có nhu cầu cao và ổn định với gạo Việt Nam. Đây cũng là lợi thế giúp ngành hàng lúa gạo tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Dư địa cho gạo Việt mở rộng xuất khẩu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặc dù giá gạo tẻ 5% tấm tiêu chuẩn của Việt Nam trong quý I xuống dưới 400 USD/tấn, giá gạo 25% tấm còn thấp hơn, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân vẫn đạt 522 USD/tấn, là nhờ gạo thơm, gạo đặc sản đã chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.
Gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và hướng đến phân khúc cao hơn, kèm theo giá trị và thương hiệu. Ở phân khúc này, nhu cầu đang rất lớn, đặc biệt là Nhật Bản, Mỹ và EU. Đơn cử, cơn sốt giá gạo chưa từng có ở Nhật Bản kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, lượng gạo cao cấp của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ đạt 30.000 tấn/năm và vào thị trường Nhật Bản còn ít hơn rất nhiều. Đây là dư địa rất lớn cho Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo đặc sản, gạo thơm.
Đánh giá về khả năng xuất khẩu gạo trong những tháng tới, các chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng xuất khẩu, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường gần.
VFA dự báo, xuất khẩu gạo năm nay có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm ngoái, nhưng nếu tăng được lượng gạo ST24, ST25, gạo thơm chất lượng cao, thì ngoại tệ mang về vẫn tích cực.
Ý kiến ()